Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cho đến năm 2100. (Nguồn: Politico) |
Tác động sâu rộng
Ngày 11/3, lần đầu tiên Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đưa ra bản Đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA), trong đó xác định 36 rủi ro lớn. Tám trong số đó đặc biệt cấp bách, liên quan tới bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ con người khỏi nắng nóng, bảo vệ con người cùng cơ sở hạ tầng khỏi lũ lụt và cháy rừng, đồng thời đảm bảo khả năng tồn tại của kinh tế châu Âu. Theo đó, Giám điều điều hành của EEA Leena Ylä-Mononen khẳng định, rủi ro khí hậu tăng tốc nhanh hơn khả năng phòng bị của con người.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu (EU), biến đổi khí hậu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế của khối cho đến năm 2100, thậm chí khu vực có thể đối diện thiệt hại hàng năm là 1,6 nghìn tỷ Euro do lũ lụt ven biển. Bên cạnh đó, EU lưu ý về nguy cơ bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn virus sông Nile có thể trở thành dịch bệnh đặc hữu ở châu Âu, trong khi biện pháp phòng chống loại bệnh này chưa đủ phát triển để đáp ứng.
Ngoài ra, tác động của khí hậu có thể đào sâu lằn ranh bất bình đẳng trong nội khối, trong đó Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn phần còn lại. Theo tờ Politico, khí hậu ấm nóng ở Nam Âu tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh sinh sôi, đặc biệt là sốt xuất huyết và virus chikungunya.
Ngoài ra, nhiệt độ cao dễ gây cháy rừng, ảnh hưởng năng suất cây trồng và gây ra mối đe dọa với sinh kế người dân. Hơn nữa, thảm họa khí hậu “có thể dẫn đến giảm doanh thu thuế, tăng chi tiêu chính phủ, hạ xếp hạng tín dụng và tăng chi phí vay”.
Thậm chí, Brussels cảnh báo việc khan hiếm nước có thể dẫn đến nguy cơ xung đột nội khối. Tại Tây Ban Nha, vùng hạn hán ở Catalonia đang nỗ lực thuyết phục chính quyền giúp họ bằng cách thay đổi dòng nước của khu tự trị lân cận Aragon, dẫn đến rủi ro căng thẳng chính trị giữa các bên liên quan.
Năm ngoái, Pháp chứng kiến các cuộc đụng độ bạo lực về kế hoạch xây dựng hồ chứa nước. Cụ thể, Paris muốn thiết kế hồ chứa giúp nông dân lưu trữ nước vào mùa đông để sử dụng vào những tháng hè khô hạn. Song các nhà hoạt động xã hội lên tiếng phản đối, cho rằng nước là nguồn lợi chung và nông dân đang "đánh cắp" tài nguyên, đồng thời kêu gọi chuyển đổi sang phương thức nông nghiệp bền vững và ít tốn nước hơn.
COP28 gây tiếng vang lớn khi lần đầu tiên kêu gọi thành công các nước tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhằm bảo vệ hệ sinh thái. (Nguồn: Reuters) |
Hướng đến giải pháp
Đáng nói là, Brussels khẳng định khu vực có thể đối mặt nhiều thảm họa, song cảnh báo rằng khối này chưa có kế hoạch ứng phó kịp thời ngay cả khi thế giới đang nỗ lực duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C như Thỏa thuận Paris quy định.
Giám đốc tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G Manon Dufour nhấn mạnh, EUCRA là lời cảnh tỉnh với lục địa và có tác động lớn đến chính sách khí hậu ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Ở cấp độ khu vực, bà Dufour cho biết, EUCRA giúp “mở rộng tầm mắt” các nhà lãnh đạo châu Âu, những người hiện tập trung vào an ninh kinh tế và năng lượng. Ở cấp quốc gia, EUCRA có thể thúc giục Bộ trưởng Tài chính các nước đưa vấn đề phục hồi kinh tế-xã hội làm ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, Trưởng bộ phận khí hậu của Mạng lưới Hành động Khí hậu châu Âu Sven Harmeling khẳng định, khu vực này cần cắt giảm khí thải từ việc đốt than và dầu, đồng thời đẩy mạnh đầu tư giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức sâu sắc nguy cơ trên, EU đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, nổi bật là luật Phục hồi thiên nhiên (NRA) thông qua năm 2023. Đạo luật này được kỳ vọng tạo tiền đề cho các nước thành viên EU khôi phục đa dạng hệ sinh thái, thông qua gia tăng các vùng trồng rừng, môi trường sống dưới nước và sự kết nối giữa các dòng sông. Đây là trung tâm trong chiến lược đa dạng sinh học của EU, là một phần trong Thỏa thuận Xanh của khối nhằm tăng cường bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một số chính trị gia bảo thủ và hiệp hội nông dân tuyên bố, các biện pháp này gây hại cho nhiều ngành sản xuất vốn đang gặp khó khăn. Copa-Cogeca và Europêche, hai tổ chức đại diện cho ngành nông nghiệp và thủy sản, gọi đây là “đạo luật phi thực tế”. Song những người bảo vệ đạo luật khẳng định, về lâu dài, châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục đa dạng sinh học nếu muốn duy trì sản xuất lương thực và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050.
Ngoài ra, EU có thể cải cách Chính sách nông nghiệp chung (CAP) để khuyến khích phương thức canh tác bền vững hơn, cũng như chuyển sang cây trồng có khả năng chống chịu hạn hán hoặc ít tốn nước hơn.
Như vậy, việc lần đầu tiên Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đưa ra EUCRA giúp cảnh tỉnh về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội khu vực. Điều này thúc giục các nước thành viên EU đẩy nhanh giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là thực hiện nghiêm chỉnh luật Phục hồi thiên nhiên (NRA) và cải cách Chính sách nông nghiệp chung (CAP).
| Cấm dầu Nga: Châu Âu vẫn nhận hàng đều đặn, tiền 'đổ' vào túi Moscow, EU 'đi trên dây' bởi lý do đặc biệt Nhập khẩu nhập khẩu dầu tinh chế từ Ấn Độ của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2023 ... |
| Xung đột ở Ukraine góp công giúp châu Âu thoát 'bẫy' khí đốt Nga, rủi ro vẫn còn Hai năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu dường như đã thành công trong việc tự ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (1-7/3): EU hết hứng thú với khí đốt Nga, người Ukraine thích tiền số nhất châu Âu, Đông Nam Á là tương lai của Australia Giá nhà toàn cầu dự kiến tăng nhẹ, EU không còn “hứng thú” với khí đốt Nga, tỷ lệ sử dụng tiền điện tử ở ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Châu Âu 'ghi điểm' về dự trữ khí đốt; EU không 'hứng thú' về thỏa thuận với Nga Các cơ sở dự trữ khí đốt trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã đạt 62% công suất tính đến ... |
| Ghé thăm di sản thế giới đầu tiên của Singapore Lấy cảm hứng từ vườn thực vật nhiệt đới thời thuộc địa Anh, Singapore Botanic Gardens dần trở thành "biểu tượng xanh" của đảo quốc ... |