Ấn Độ sau lệnh phong tỏa đất nước trong 21 ngày để ngăn chặn dịch Covid-19. (Nguồn: CNN) |
Theo một nhân viên ngoại giao Mỹ, nỗ lực hồi hương công dân từ Ấn Độ đã bắt đầu hôm 1/4 với một chuyến bay khoảng 170 người. Các chuyến bay tiếp theo sẽ tiếp tục xuất phát từ Mumbai và Delhi từ nay cho đến cuối tuần.
Theo nhân viên ngoại giao trên, con số cụ thể vẫn đang được cập nhật nhưng số người mong muốn hồi hương đã lên tới hàng nghìn người. Dự kiến sẽ có hơn 80 chuyến bay từ các địa điểm khác nhau để đáp ứng yêu cầu này.
Đối phó với sự nguy hiểm của dịch Covid-19 sẽ là vấn đề nan giải đối với Ấn Độ. "Ấn Độ không áp dụng được lợi thế trong việc kiểm soát nhà nước như của Trung Quốc hay có được hệ thống y tế như của châu Âu và Mỹ. Họ sẽ cần phản ứng theo cách riêng của mình" - Nhà nghiên cứu Ramanan Laxminarayan của Trung tâm Nghiên cứu biến động bệnh dịch, kinh tế và chính sách (CDDEP) nhận định.
Ấn Độ những ngày qua vẫn đang ra sức khống chế dịch bệnh trong lúc số ca nhiễm bệnh vẫn tăng mạnh. Tính đến 6h sáng 2/4, Ấn Độ đã ghi nhận 1.998 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó 58 người đã tử vong.
Chính quyền Thủ tướng Modi Narenda tuần trước đã yêu cầu người dân nước này ở nhà trong ba tuần, cấm các sự kiện công cộng, đóng cửa trường học và các cơ sở công nghiệp, thương mại trên toàn quốc. Động thái cứng rắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm.
Phần lớn người nghèo ở Ấn Độ sống trong các điều kiện chật chội, kém vệ sinh và thiếu hạ tầng y tế với khoảng 0,7 giường bệnh trên mỗi 1.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 3,4 và 2,9 giường ở Italy hay Mỹ. Hơn 1,3 tỉ dân của nước này cũng chỉ có khoảng 50.000 máy thở.
Tuy nhiên, với tình trạng dân số đông đúc, hạ tầng y tế chưa đủ đáp ứng, lại thêm tình trạng người dân lao động chen chúc để về quê sau lệnh phong tỏa, bất chấp những lời cảnh báo về dịch bệnh, người ta lo ngại số người nhiễm bệnh rất có thể sẽ tăng lên nhanh chóng.