📞

Loài chim 'ồn ào' nhất thế giới: Tiếng kêu còn lớn hơn nhạc Rock

08:18 | 01/12/2019
TGVN. Để tán tỉnh bạn tình, chim Chuông Trắng sẽ hét toáng lên, âm thanh này còn lớn hơn cả tiếng cưa xích, máy đóng cọc hay các buổi trình diễn nhạc rock và thậm chí là gây hại cho tai người.
Để tán tỉnh bạn tình, chim Chuông Trắng sẽ hét thật to, tiếng hét càng lớn thì càng được cho là hấp dẫn. (Nguồn: Amaze Lab)

Chim Procnias albus là một loài thuộc họ Cotingidae, chúng còn được biết đến với tên gọi “Chim Chuông Trắng”. Trong tự nhiên, chim Chuông Trắng phân bố chủ yếu ở các khu rừng ở Guy-an, Venezuela và Brazil. Dù mang tên là chim Chuông Trắng nhưng chỉ có giống đực của loài chim này sở hữu màu lông trắng muốt. Trong khi đó, bộ cánh của con mái lại có màu olive với các vệt màu vàng.

Điểm đặc biệt nhất của loài chim này có lẽ chính là cách mà nó tán tỉnh. Như chúng ta đều biết, loài chim có rất nhiều cách để thu hút sự chú ý của bạn tình, điển hình là nhảy múa, khoe màu lông sặc sỡ, xây tổ thật đẹp, thực hiện một “bài hát” du dương.

Tuy nhiên, trong trường hợp của chim Chuông Trắng, cách cưa cẩm mà chúng lựa chọn lại là…hét toáng lên (theo đúng nghĩa đen). Cụ thể, vào mùa giao phối, chim Chuông Trắng đực sẽ tìm cách tiếp cận con cái mà mình “phải lòng” sau đó lấy một hơi thật sâu và cất lên tiếng hét thật to để thu hút sự chú ý.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Mỹ và Brazil đã ghi nhận 1 tiếng kêu của chim Chuông Trắng đạt đến ngưỡng 125,4 db. Cường độ âm thanh này còn lớn hơn cả tiếng cưa xích, máy đóng cọc hay các buổi trình diễn nhạc rock, âm thanh này thậm chí còn được được cảnh báo là không hề an toàn cho tai người. Con số 125,4 db cũng chính thức đưa chim Chuông Trắng vào sách kỷ lục với danh hiệu “Loài chim có tiếng kêu lớn nhất từng được ghi nhận”.

Theo mô tả, tiếng kêu mà chim Chuông Trắng tạo nên để thu hút bạn tình khá giống với tiếng chuông báo cháy. “Chim Chuông Trắng có kích thước khá nhỏ chỉ cỡ chim bồ câu. Do đó, việc chúng có thể tạo ra tiếng kêu lớn như vậy thực sự là điều rất ấn tượng. Việc có được khả năng này đến từ chiếc miệng khá rộng, được tiến hóa để ăn trái cây, giúp chúng có thể khuếch đại âm thanh”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

(theo Dân trí)