Nhân viên y tế tại một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Ashkelon, Israel, tháng 8/2021. (Nguồn: Getty) |
Theo bài báo của tác giả Meredith Wadman được xuất bản trên sciencemag.org ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nitzan Horowitz ngày 13/8 nói: "Bây giờ là thời điểm quan trọng. Chúng tôi đang trong cuộc chạy đua chống lại đại dịch", khi ông được tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường.
13/8 cũng là ngày Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp liều vaccine thứ ba cho người dân ở độ tuổi trên 50.
Thông điệp của Bộ trưởng Horowitz một phần dành cho những đồng nghiệp của mình, nhưng nó cũng là một lời cảnh báo cho toàn thế giới.
Tác dụng của vaccine giảm dần theo thời gian
Israel là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới với 78% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu là vaccine Pfizer.
Tuy nhiên, quốc gia này hiện đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, với gần 650 trường hợp mắc mới mỗi ngày trên một triệu người. Đặc biệt, hơn một nửa số ca mắc mới là người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Điều này nhấn mạnh khả năng lây nhiễm cao bất thường của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và làm dấy lên lo ngại rằng, hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian.
Những gì đang xảy ra ở Israel khiến nhiều nước phải thay đổi và đầu tư nhiều hơn vào công cuộc chống dịch. Rõ ràng, ngay cả những quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng tốt nhất cũng sẽ phải đối mặt với sự lây lan khủng khiếp của biến thể Delta.
Ông Ran Balicer, Giám đốc đổi mới tại Clalit Health Services (CHS) thuộc Tổ chức bảo vệ sức khỏe Israel (HMO) cho biết: “Đây là một dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng cho phần còn lại của thế giới. Nếu điều này có thể xảy ra ở Israel, nó cũng có thể xảy ra ở khắp mọi nơi".
Trong chiến lược chống dịch và tiêm vaccine Covid-19, Israel hiện được cộng đồng y tế thế giới dõi theo chặt chẽ bởi đây là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm chủng và nhanh chóng đạt tỷ lệ dân số được chủng ngừa cao hàng đầu thế giới.
Quốc gia với 9,3 triệu dân này cũng có cơ sở hạ tầng y tế công cộng rất mạnh và toàn bộ dân số đã được đăng ký theo dõi bảo vệ sức khỏe theo hệ thống HMO. Điều này cho phép Israel quản lý dữ liệu về hiệu quả của vaccine một cách thực tế và chính xác.
Ông David O’Connor, chuyên gia giải trình tự virus tại Đại học Wisconsin, Madison, cho biết: “Tôi theo dõi (dữ liệu của Israel) rất chặt chẽ vì đó là một trong những dữ liệu tốt nhất được đưa ra”.
Đồng tình với nhận định trên, bác sĩ Eric Topol, đồng thời là nhà khoa học tại Scripps Research nói: “Israel là hình mẫu. Một tỷ lệ dân số rất lớn của quốc gia này đã sớm được tiêm vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA. Đất nước này giống như một phòng thí nghiệm đang hoạt động để chúng tôi học hỏi”.
Còn ông Balicer nói: “Việc có dữ liệu đầy đủ ở cấp độ từng cá nhân cho phép chúng tôi cung cấp bằng chứng trong thế giới thực trong thời gian gần thực tế nhất”.
Theo chuyên gia này, Vương quốc Anh cũng thu thập rất nhiều dữ liệu. Nhưng chiến dịch tiêm chủng của nước này diễn ra muộn hơn Israel, nên tình hình dịch bệnh tại Anh ít phản ánh những gì có thể xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, nước này đã sử dụng 3 loại vaccine khác nhau, khiến dữ liệu của họ khó phân tích hơn.
Theo các nhà khoa học, trước làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Dela hiện nay, đối với những người đã được tiêm vaccine vào đầu mùa Đông năm ngoái, có thể đã bắt đầu xuất hiện việc suy giảm khả năng miễn dịch. Nghĩa là, những người được tiêm chủng vào tháng 1/2021 có nguy cơ bị nhiễm virus cao hơn 2,26 lần so với những người được tiêm chủng vào tháng 4/2021.
Đồng thời, các ca mắc mới Covid-19 ở quốc gia này đã tăng gấp đôi mỗi tuần, chủ yếu là nhiễm biến thể Delta. Hiện số ca mắc mới ở Israel đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 2/2021, với số ca phải nhập viện và vào phòng chăm sóc đặc biệt bắt đầu tăng.
Israel là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới với 78% người dân từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu là vaccine Pfizer. (Nguồn: Illustrative image ) |
Gây áp lực lên hệ thống y tế
Tính đến ngày 15/8, 514 người Israel đã phải nhập viện vì Covid-19 với các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc nguy kịch, tăng 31% so với chỉ 4 ngày trước đó.
Trong số 514 ca bệnh này, 59% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số những người được tiêm chủng đầy đủ, 87% từ 60 tuổi trở lên.
Uri Shalit, nhà nghiên cứu sinh học tại Viện Công nghệ Israel (Technion), người đã tư vấn về Covid-19 cho chính phủ, cho biết: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện đã được tiêm chủng. Một trong những câu chuyện lớn của Israel là vaccine hoạt động, nhưng không đủ mạnh".
Ông Dror Mevorach, bác sĩ chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hadassah Ein Kerem, đồng thời là cố vấn cho chính phủ, cho biết: “Điều đáng sợ nhất đối với chính phủ và Bộ Y tế là gánh nặng cho các bệnh viện”.
Tại bệnh viện của mình, ông Mevorach phải sắp xếp lại đội ngũ bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật để hỗ trợ nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp họ bị quá tải bởi một làn sóng dịch như hồi tháng 1/2021, khi bệnh nhân lấp đầy 200 giường.
Ông nói: “Các nhân viên y tế đã kiệt sức”.
| Thị trường vaccine Covid-19 lên ngôi, các hãng dược phẩm 'hái ra tiền' |
Nên tiêm mũi vaccine thứ 3?
Để kìm hãm sự gia tăng của các ca mắc Covid-19, Israel đã chuyển sang tiêm mũi vaccine thứ 3 tăng cường. Việc này được bắt đầu từ ngày 30/7 với những người từ 60 tuổi trở lên và mở rộng cho những người từ 50 tuổi trở lên vào ngày 13/8.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 16/8, gần 1 triệu người Israel đã được liều vaccine thứ ba.
Các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu bao gồm Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi các quốc gia phát triển không sử dụng liều vaccine Covid-19 tăng cường vì hầu hết dân số thế giới chưa được tiêm dù chỉ một liều.
Các quốc gia giàu có đang cân nhắc hoặc đã quyết định tiêm vaccine tăng cường hầu hết đều "viện cớ" rằng việc này chỉ được áp dụng cho những nhóm dân cư đặc biệt như người bị tổn hại hệ miễn dịch và nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường tạo ra sự gia tăng nhanh chóng các kháng thể, những kháng thể cần thiết trong mũi và cổ họng, được ví như là tuyến phòng thủ quan trọng đầu tiên chống lại virus.
Ông Mevorach cho biết, quyết định của chính phủ Israel về việc tiêm vaccine tăng cường những người từ 50 tuổi trở lên được thúc đẩy bởi dữ liệu sơ bộ của Bộ Y tế cho thấy những người trên 60 tuổi đã được tiêm liều thứ ba có nguy cơ phải nhập viện trong những ngày gần đây chỉ bằng một nửa so với những người được tiêm hai mũi.
Tuy nhiên, ông Dvir Aran, một nhà khoa học về dữ liệu y sinh tại Technion, cho biết, bản thân mũi tiêm tăng cường không có khả năng không chế sự gia tăng ca mắc do biến thể Delta.
Ở Israel, biểu đồ ca mắc hiện tại tăng thẳng đứng đến nỗi "ngay cả khi 2/3 trong số những người trên 60 tuổi được tiêm mũi thứ 3, cũng sẽ chỉ mất thêm một tuần, có thể là 2 tuần để các bệnh viện trở nên quá tải".
Ông nói, điều quan trọng là tiêm vaccine cho những người vẫn chưa tiêm liều đầu tiên hoặc liều thứ hai, đồng thời quay trở lại với chiếc khẩu trang và áp dụng giãn cách xã hội nghiêm túc.
Thông điệp của ông Aran dành cho Mỹ và các quốc gia giàu có khác, những nước đang xem xét việc tiêm mũi vaccine thứ 3 là rất rõ ràng: "Đừng nghĩ rằng mũi thứ 3 là giải pháp".
| Covid-19 ở Việt Nam sáng 18/8: 620 ca nặng và nguy kịch, F0 cộng đồng tăng đột biến ở TP. Hồ Chí Minh; thông tin toa thuốc điều trị F0 tại nhà Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 293.301 ca mắc Covid-19, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với ... |
| Trung Quốc sẽ có vaccine đặc biệt cho biến thể Delta? Một viện nghiên cứu của Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình phát triển liều vaccine đặc biệt để chống lại biến thể Delta đang ... |