Không thể phủ nhận, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của khối kinh tế tư nhân, đưa nông sản Việt khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, trong đó có những mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 3 tỷ USD như tôm, trái cây, cà phê… bước đầu chinh phục một số thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Australia... Thặng dư ngành nông nghiệp tăng từ 7 tỷ USD năm 2015 lên 8,4 tỷ USD năm 2017 và dự kiến sẽ vượt 9 tỷ USD năm 2018.
“Cô gái danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh"
Thế nhưng, nhìn lại quá khứ và ngay lúc này, không ít các vụ giải cứu nông sản: từ thanh long (Bình Thuận), hành, tỏi, dưa hấu (Quảng Ngãi), chuối (Đồng Nai), su hào, bắp cải, củ cải (Hà Nội), vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương)... đã diễn ra. Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra... là vòng luẩn quẩn mà người nông dân Việt Nam luôn gặp phải. Vậy đâu là nguyên nhân?
Làm sao để chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Australia phải là mục tiêu dài hơi của nông sản Việt Nam. |
Theo các chuyên gia, điểm yếu của nông sản Việt là do thiếu thông tin thị trường và khâu làm thị trường kém, cùng với đó là tâm lý “đám đông”, thậm chí, ở rất nhiều địa phương, người nông dân đã tự ý phá vỡ quy hoạch để chạy theo trào lưu, dẫn tới thừa cung, chịu thua lỗ nặng.
Đây cũng là ý kiến của TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn khi cho rằng, việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ thiết yếu đặt ra cho ngành nông nghiệp hiện nay.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 - Chuyên đề Nông nghiệp mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho rằng, việc quá lệ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng không phải điều hay. Có thể thấy phần lớn rau củ quả Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Trung Quốc. 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 7,3 tỉ USD (so với 6,8 tỉ USD của cả năm 2016). Với một thị trường chiếm tỷ trọng lớn như vậy thì sẽ gặp rủi ro khi có sự thay đổi về chính sách thương mại, chính sách nhập khẩu của nước bạn.
Nông dân và doanh nghiệp cũng chưa thực sự chủ động tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu. Có người đã ví von, "nông sản Việt Nam như một “cô gái” danh giá đợi các chàng trai tán tỉnh". Thực tế, Trung Quốc đang là “chợ” lớn nhất của nông sản Việt, nhưng gần như không ai đi chợ chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm của mình mà chỉ đợi khách hàng đến.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan), nhiều doanh nghiệp Việt chưa hiểu thấu đáo đối tác, thị trường khi xuất hàng thường khó thông quan bởi vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế. Việc thiếu thông tin đã gây tổn thất cho nông sản Việt Nam.
Nông sản Việt Nam phù hợp với nhu cầu thị trường Cuba. |
Thêm vào đó, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã từng bị cảnh báo do người sản xuất không kiểm soát được các nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi, đặc biệt là các chế phẩm kháng sinh ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc phải sản xuất ra các sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hóa, truy xuất mọi lúc mọi nơi, liên kết chuỗi với nhau… cũng là một trong những yêu cầu tất yếu đối với nông sản Việt.
Lấy thị trường làm mục tiêu
Tại Diễn đàn trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nông sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng để giải quyết bất cập, điểm nghẽn về tiêu thụ, phải lấy thị trường làm mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo mới mở rộng được thị trường cho nông sản.
Hiến kế mở rộng thị trường cho nông sản Việt, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất, là vấn đề đầu tiên và cần làm sớm. Cùng với đó là làm thế nào để thông tin đến đúng đối tượng một cách kịp thời cho từng địa phương, từng ngành hàng, đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu, sức mua của thị trường.
Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. “Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi mở rộng thị trường, Việt Nam cần cân nhắc từng thị trường, xuất phát từ nhu cầu và khả năng đáp ứng. Việc xuất khẩu ra các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, EU, Australia... cũng được đánh giá là điểm tựa để Việt Nam tiến tới đa dạng hóa thị trường.
Việc tổ chức, tham gia các hội chợ, tuần lễ hàng nông sản ở trong và ngoài nước cũng đã được nhiều người nhắc tới, như là một kênh quảng bá hiệu quả và chính thống sản phẩm của Việt Nam đến với thị trường quốc tế và giúp người sản xuất, nhà kinh doanh trong nước kịp thời nắm bắt thông tin thị trường.
Tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu cũng là một hướng được nhiều chuyên gia nhắc tới. Tuy hàng nông sản Việt Nam được khách hàng quốc tế đánh giá cao về nguồn cung nhưng chủ yếu là xuất thô, không có thương hiệu thương mại. Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung tìm hiểu thị trường để đầu tư khâu chế biến, đóng gói, tăng lợi nhuận khi xuất khẩu, đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững. Chẳng hạn, quả chôm chôm đã phải mất 9 năm đàm phán mới có thể xuất khẩu, điều đó đủ để thấy, chất lượng sản phẩm là một trong những điều kiện tiên quyết cho đầu ra của nông sản.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, doanh nghiệp và bà con nông dân sẽ bắt nhịp được với nhau, lên lộ trình giải quyết từng vấn đề còn bất cập. Bộ trưởng Nông nghiệp cũng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, năm nay, ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng 10% hoặc cao hơn năm 2017. Nhiều người kỳ vọng, năm 2018 ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thắng lợi, tạo đà cho các năm tiếp theo.