Khu vực Trung Đông hỗn loạn, bạo lực và chiến tranh có thể huỷ hoại mọi thành quả mà Nga và Trung Quốc đã dày công gây dựng. Minh họa của Craig Stephens (SCMP) |
Mỹ - Iran đều tỏ ra tiếp tục leo thang đối địch với nhau sau khi Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran và Tehran không kích hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, nhưng trên thực tế và trong thực chất, cả hai bên đều kiềm chế hành động của mình để không kích hoạt vòng xoáy đối địch quân sự mới.
Tình huống mới cho cả Nga và Trung Quốc
Đối với cả Nga lẫn Trung Quốc, những diễn biến vừa rồi trong quan hệ giữa Mỹ - Iran đưa lại tình huống mới cho mối quan hệ của họ với Mỹ và với Iran. Nhìn chung có thể thấy là cả hai đều được lợi nhiều từ đó, nhưng đồng thời cũng phải trực diện với rủi ro lớn đối với lợi ích chiến lược của họ ở khu vực và trong quan hệ với Iran.
Quan hệ của cả hai với Mỹ hiện tại không được tốt đẹp. Trong bối cảnh tình hình như thế, Mỹ càng khó khăn và khó xử ở đâu đó trên thế giới, càng bị sa lầy vào đối địch quân sự với ai đó thì Nga và Trung Quốc càng thuận lợi và càng có thế trong quan hệ của họ với Mỹ.
Nga và Trung Quốc là hai bên tham gia thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Nga đã gây dựng được vai trò và ảnh hưởng rất nổi trội ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, đến mức mọi vấn đề chính trị an ninh ở khu vực này chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia của Nga.
Trung Quốc, tuy chưa được như Nga về chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực này, nhưng cũng đã tạo dựng được vai vế quan trọng về kinh tế và thương mại. Dự án lớn “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đã vươn tới khu vực này. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Iran, nhưng không chỉ có vào Iran mà còn vào nhiều quốc gia khác nữa ở nơi đây. Nga cũng có lợi ích rất to lớn và thiết thực ở khu vực này chứ không chỉ có ở Iran trên lĩnh vực khí đốt, dầu lửa và nhà máy điện nguyên tử.
Nga, Trung Quốc được lợi nhiều...
Mỹ và Iran găng nhau thì Nga và Trung Quốc được lợi nhiều trên ba phương diện chính sau.
Thứ nhất, Mỹ càng làm găng với Iran thì càng đẩy Iran xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc, Iran càng thêm coi trọng Nga và Trung Quốc, càng phải dựa cậy nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc. Nga và Trung Quốc có ảnh hưởng càng lớn đối với Iran và lợi ích chung giữa hai nước này với Iran càng cơ bản, càng đa dạng và càng thiết thực thì những biện pháp chính sách của Mỹ chống Iran càng mất tác động trên thực tế. Nói theo cách khác, Mỹ sẽ phải càng luỵ Nga và Trung Quốc trong xử lý những vấn đề có liên quan đến Iran.
Thứ hai, Nga và Trung Quốc có cơ hội vừa đóng vai trò trung gian hoà giải giữa Mỹ và Iran vừa có thể làm cho sự phân rẽ giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở trong khu vực này cũng như ở châu Âu về vấn đề Iran trở nên sâu sắc hơn, nghiêm trọng hơn và khó khắc phục hơn. Nga và Trung Quốc nhờ đấy tăng được thế và thêm được con chủ bài trong quan hệ của họ với Mỹ.
Thứ ba, Nga và Trung Quốc có cơ hội gây dựng hình ảnh và cảm nhận trong khu vực này về kiến tạo hoà bình, an ninh và ổn định cho khu vực chứ không phải gây chiến tranh ở khu vực, tạo sự tương phản rõ nét so với Mỹ. Cả hai đều có thể tận dụng dịp này để tạo tiền đề thuận lợi cần thiết cho cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực và dần đẩy ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực.
... và rủi ro cũng lớn
Tuy nhiên, đi cùng với nhiều cái lợi này lại là rủi ro lớn đối với Trung Quốc và Nga, cụ thể ở đây trên hai phương diện.
Thứ nhất, cho dù Mỹ và Iran đều quả quyết không chủ ý gây chiến tranh với nhau, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai đối tác này vẫn rất tiềm tàng bởi chỉ cần ở một bên để cho lý trí bị tình cảm lấn át và dẫn dắt thì cả hai đều sẽ không còn có thể kiểm soát được tình hình. Khi ấy, tất cả mọi lợi ích của Nga và Trung Quốc ở Iran và ở khu vực này đều có thể bị huỷ hoại hoặc tổn hại do bị vạ lây trực tiếp hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp. Cả khu vực hỗn loạn, bạo lực và chiến tranh không những không có lợi gì cho họ mà còn có thể huỷ hoại mọi thành quả mà họ đã dày công gây dựng được trong khu vực.
Thứ hai, cả Nga và Trung Quốc đều sẽ rất khó xử khi diễn biến tình hình quan hệ giữa Mỹ và Iran đẩy họ vào tình thế phải lựa chọn đứng về phía bên này hay bên kia.
Cả hai đều tìm cách để cho cả Mỹ và Iran cần đến mình bởi như thế có thể kết hợp vừa cân bằng quan hệ giữa hai bên vừa có thể chơi con bài đối trọng. Cho nên Mỹ và Iran càng quyết liệt đối địch nhau thì rủi ro kia càng thêm lớn đối với Nga và Trung Quốc.