📞

Long An - ‘địa chỉ đỏ’ để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

10:49 | 26/06/2020
TGVN. Chiến lược đầu tư hạ tầng và chính sách hợp lý đã giúp Long An trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Khu công nghiệp Long Hậu - huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An

Long An đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam. Vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An được đánh giá có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Nhờ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng giao thông thông suốt hướng Bắc-Nam, Đông-Tây, ngày nay Long An đã trở thành hành lang phát triển kinh tế năng động kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, là một vệ tinh đô thị quan trọng của TP. Hồ Chí Minh.Long An có cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông với cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 DTW; có vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn với truyền thống sản xuất nông nghiệp từ lâu đời, có đường biên giới tiếp giáp với vương quốc Campuchia dài 133 km với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,58%. Trong đó, khu vực 1 nông-lâm-thủy sản khoảng 2,64%, khu vực 2 công nghiệp-xây dựng 14,4% và khu vực 3 thương mại-dịch vụ-thuế là 6,6%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 18.242tỉ đồng.Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Long An đạt 68,82/100 điểm, tăng 0,73 điểm so với năm 2018 thuộc nhóm "Tốt", đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Trong các chỉ số thành phần tăng điểm của Long An năm nay, chỉ số thiết chế pháp lý và chỉ số tính năng động là hai chỉ số tăng điểm cao nhất (tăng 1,07 và 0,99 điểm). Xác định chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, thời gian qua, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chủ động tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp triển khai các dự án.

Cảng quốc tế Long An.

Với những nỗ lựcđể giữ vững tốc độ tăng điểm số PCI, Long An là một trong các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt, thuộc Top 10 trong cả nước. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Long An trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.059 dự án, thu hút nhà đầu tư từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký 6,496tỉ USD, trong đó có 585 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624tỉ USD. Trên địa bàn Tỉnh hiện có 32 KCN đã được quy hoạch đồng bộ với diện tích 11.523,14havà 62 cụm công nghiệp với diện tích 3.106ha, trong đó có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lần lượt đạt 87,4%và 89,7%.

Những con số trên cho thấy, Long An đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Và là minh chứng về một địa phương năng động, tích cực, chủ động trong các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và tìm kiếm các cơ hội phát triển. Chỉ mới đây, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi tại Việt Nam, Long An lại sẵn sàng với dự án trọng điểm KCN Việt Phát (diện tích hơn 1.800 ha), nhằm đón đầu "làn sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19.

Nổi bật trong thời gian qua là địa phương luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, kết nối các trục giao thông chính của TP. Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp và cảng biển. Về chủ trương, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước đến đầu tư, kinh doanh, hợp tác thương mại. Tỉnh Long An cam kết luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của Tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng khoảng 7,05%/năm. Mạng lưới cơ sở phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ ngày càng mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất và làm thay đổi diện mạo ngành thương mại dịch vụ của tỉnh theo hướng hiện đại. Dịch vụ logistics được chú trọng phát triển, cảng Long An bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường được quan tâm thực hiện, đặc biệt là kết nối tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỉ USD; thị trường không ngừng được mở rộng, đã xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.

Trong thời gian qua, tỉnh Long An luôn quan tâm, tăng cường đẩy mạnh hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới và khu vực. Tính đến nay, địa phương đã thiết lập quan hệ hợp tác với 8 địa phương nước ngoài từ các quốc gia Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại mà lãnh đạo tỉnh còn nhiều trăn trở là hiệu quả hợp tác mà đặc biệt là việc thu hút đầu tư từ khu vực ASEAN chưa được tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đây sẽ là trọng tâm trong công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư của địa phương trong thời gian tới nhằm tăng cường kết nối kinh tế và thu hút đầu tư từ các nước ASEAN vào tỉnh Long An.