Rất khó dự đoán, liệu giá dầu mỏ và khí đốt có được bình ổn trong thời gian tới. (Nguồn: Bicmagazine) |
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây tác động xấu đến thị trường năng lượng toàn cầu. Giá dầu liên tiếp xác lập các mức kỷ lục, trong khi giá khí đốt tự nhiên cũng tăng gần gấp đôi chỉ trong vài tuần đầu tiên khi xung đột nổ ra.
Cú sốc giá dầu
Hơn một tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine (ngày 24/2), thị trường năng lượng tiếp tục đối mặt với biến động thất thường từ nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng đến cú sốc về giá, đủ cho thấy khả năng chi phối quá mạnh của tình hình Đông Âu tới toàn cầu.
Trong khi đó, những khó khăn đối với nền kinh tế Nga liên quan đầu ra của ngành công nghiệp dầu khí và cả sự bế tắc của châu Âu trong việc tìm nguồn năng lượng thay thế, đã rất rõ ràng. Khi lệnh trừng phạt đối với Nga có hiệu lực, các nhà giao dịch đã dự đoán châu Âu sẽ thiếu hụt lượng lớn dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu. Đức đang chuẩn bị phân phối một cách có kiểm soát lượng khí đốt tự nhiên vào mùa Đông tới, trong trường hợp Nga cắt giảm nguồn cung.
Về phía Moscow, khi Canada, Anh và Mỹ đều đã cấm nhập dầu Nga; “đường tới” châu Âu dần bị chặn ở các ngả, số lượng khách hàng còn lại chỉ đủ để các nhà sản xuất khai thác cầm chừng, sản lượng được dự báo có thể giảm 2-3 triệu thùng/ngày so với trước thời điểm xảy ra xung đột.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) dự báo, sản lượng sản xuất dầu khí của Nga sẽ giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng Tư, tức chỉ còn khoảng 8,6 triệu thùng/ngày.
Trong những tháng sắp tới, các hợp đồng mua bán dầu dài hạn của Nga với các hãng lọc dầu lớn sẽ chấm dứt. Trong ngắn hạn, EU tạm thời chưa tiến hành “đoạn tuyệt” hẳn với dầu khí Nga, nhưng nhiều công ty năng lượng có các nhà máy lọc dầu tại châu Âu đã tuyên bố không ký tiếp hợp đồng mới, bởi lo ngại rủi ro về tài chính và danh tiếng. Họ cũng không chắc chắn về việc có tìm được công ty bảo hiểm và ký với công ty vận chuyển chở dầu trong thời gian tới hay không.
Trong khi đó, hai hãng lọc dầu hàng đầu Nhật Bản là Eneos và Idemitsu Kosan tuyên bố sẽ ngừng mua dầu Nga. Một số đối tác không thuộc phương Tây có thể vẫn tiếp tục mua sản phẩm mới, nhưng sẽ ép để mua được giá rẻ. Chẳng hạn, các hãng lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố gì mà lẳng lặng mua nhiều hơn trên thị trường giao ngay. Morgan Stanley dự báo, giá dầu Brent trong quý III/2022 tăng khoảng 20 USD lên 120 USD/thùng và thậm chí giá dầu có thể lên tới ngưỡng 150 USD/thùng.
“Cái khó” của Vùng Vịnh
Trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) (ngày 31/3), giá dầu trên thị trường thế giới không chỉ đứng ở mức khá cao, mà còn trong xu hướng leo thang. Mọi con mắt đang đổ dồn vào quyết định cuối cùng, sau cuộc thảo luận về chính sách của những nhà sản xuất hàng đầu này, cho kế hoạch sản lượng tháng 5/2022.
Lúc này, giới phân tích bắt đầu đưa ra đánh giá về sự tương đồng của thị trường dầu mỏ hiện nay với cú sốc “vàng đen” năm 1973. Trong cú sốc này, với vai trò định hướng thị trường năng lượng, quyết định của các nhà sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh đã khiến giá dầu tăng gần gấp bốn lần vào cuối năm đó.
Trở lại tình hình hiện nay, Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Vì vậy, khi Mỹ và Anh tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu khí Nga, thị trường ngay lập tức đẩy giá tăng vọt. Bởi vậy, rất có thể một quyết định về sản lượng của OPEC lúc này sẽ giúp hạ nhiệt thị trường.
Những ngày qua, vin lý do chung, xen lẫn toan tính riêng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, tăng sản lượng để kéo giá “vàng đen” giảm xuống. Tuy nhiên, nỗ lực này cho đến nay không mang lại kết quả. Saudi Arabia với vai trò dẫn dắt các thành viên OPEC không tỏ ra quá mặn mà, mà nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận giữa các thành viên và nhà sản xuất đồng minh khác, trong đó có Nga (OPEC+), nhằm ổn định thị trường năng lượng.
Tin liên quan |
Anh, Đức, Nhật Bản cùng hướng về Trung Đông, nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ |
Tuy nhiên, ngày 9/3, tuyên bố của Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Mỹ Youssef Al-Otaiba về việc ủng hộ “hạ nhiệt” thị trường, tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét các mức sản lượng cao hơn, gây bất ngờ hơn là một tin vui. Ông Al-Otaiba bày tỏ tin tưởng, sự ổn định trên thị trường năng lượng là rất quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản về cung và cầu cho thấy, quan điểm của OPEC+ vẫn rất thận trọng, trước bất kỳ sự gia tăng sản xuất không cần thiết nào, nhân tố có thể dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và đổ vỡ giá dầu trong tương lai.
Tất nhiên, thế giới bắt đầu hy vọng. Nhưng chỉ một ngày sau đó, Bộ trưởng Năng lượng và cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al-Mazrouei lại “đánh tiếng” trên Twitter rằng, UAE tin tưởng giá trị mà OPEC+ mang lại cho thị trường dầu mỏ. Và rằng, “UAE cam kết tuân thủ thỏa thuận với OPEC+ và cơ chế điều chỉnh sản lượng hàng tháng hiện nay”.
Thông điệp của Bộ trưởng Al-Mazrouei có những điểm đi ngược với tuyên bố của Đại sứ Al-Otaiba, nhưng về cơ bản, thông điệp này phù hợp với quan điểm của Saudi Arabia là tôn trọng mức sản lượng hiện tại, vốn đã được thống nhất với Nga và các đối tác OPEC khác. Các nhà sản xuất vùng Vịnh không chỉ ràng buộc bởi thỏa thuận ổn định thị trường, mà có cả lợi ích riêng khi giá năng lượng đang rất tốt như hiện nay. Và họ sẽ tôn trọng điều đó.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Đại sứ UAE tại Mỹ có thể chỉ là động thái để “xoa dịu” người Mỹ, nhưng quyết định thực tế vẫn sẽ dựa trên thông tin thị trường, phân tích của chuyên gia và sự quyết đoán của những nhà lãnh đạo OPEC, OPEC+. Trong khi đó, việc lấp đầy lỗ hổng năng lượng ở châu Âu vẫn khá bế tắc, khó tìm được nguồn thay thế.
Các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt vùng Vịnh dù có thể trở thành tâm điểm của thị trường giống như năm 1973, nhưng sự so sánh có thể không còn chính xác. Ít nhất, những năm 1970, việc ngừng xuất khẩu năng lượng do chính các nhà sản xuất vùng Vịnh quyết định, trong khi hiện nay, phương Tây đang tự gây ra sự gián đoạn này bằng các biện pháp trừng phạt.
Cuối cùng, khi những căng thẳng chưa thể hạ nhiệt và các lệnh trừng phạt bắt đầu gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, còn các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí vùng Vịnh tiếp tục thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Bởi vậy, rất khó dự đoán, liệu giá dầu mỏ và khí đốt có được bình ổn trong thời gian tới hay không.
| Thừa khả năng thay thế dầu và khí đốt Nga, lý do Iran thờ ơ với khách hàng châu Âu 'khát' năng lượng? Cuộc chiến chớp nhoáng của Nga tại Ukraine và các cuộc đàm phán ở giai đoạn cuối nhằm khôi phục JCPOA ngày càng gắn kết ... |
| EC tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng, Mỹ tham gia trợ giúp Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 25/3 xác nhận Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thảo luận với tất cả các bên liên quan về ... |