📞

"Luật Báo chí mới sẽ không dẫn đến việc bưng bít thông tin!"

21:59 | 07/11/2016
Chiều 7/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tới dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc và đại diện cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh những quy định mới của Luật Báo chí và việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo Thứ trưởng, Luật Báo chí mới sẽ là công cụ pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong gia đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Hội nghị. (Nguồn: Vietnam+)

Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới

Trong bài giới thiệu Luật Báo chí 2016, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho rằng, từ thực tiễn hoạt động báo chí, một bộ phận không nhỏ nhà báo, phóng viên đang có sự tha hóa về đạo đức nghề nghiệp. Theo ông Phúc, các phóng viên cần trang bị kiến thức đầy đủ về pháp luật, có những hành xử phù hợp để tránh được rủi ro trong nghề nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ mà tòa soạn giao cho mình.

Trước tình trạng nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gần đây, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc mong muốn các cơ quan, Hội Nhà báo cần có tiếng nói để yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc, tìm nguyên nhân để bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên, không để xảy ra cái tình trạng tương tự.

Bên lề Hội nghị, Cục trưởng Lưu Đình Phúc đã chia sẻ những điểm mới và sự tiến bộ của Luật Báo chí 2016, thể hiện rõ nhất là đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân và của các tổ chức. Cơ quan báo chí được phép liên kết với các nguồn lực trong xã hội để sản xuất thông tin, sản phẩm của mình, đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Theo ông Phúc, Luật Báo chí 2016 có những điểm mới, nổi bật so với Luật cũ, thể hiện trong các quy định như: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Liên kết trong hoạt động báo chí; Quyền tác nghiệp của báo chí; Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Cải chính và xử lý vi phạm...

Luật Báo chí mới cũng tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển với loại hình đa phương tiện, để các cơ quan báo chí tự chủ trong cơ chế cạnh tranh thông tin như ngày nay.

Soi vào luật để nâng cao nhận thức

Khi được hỏi về sự kỳ vọng ở các cơ quan báo chí sau khi được phổ biến, triển khai Luật Báo chí 2016, ông Lưu Đình Phúc bày tỏ: “Trong thời gian tới, khi mà luật đi vào cuộc sống thì các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp sẽ khởi sắc hơn, sẽ phát triển hơn, sẽ hạn chế các hoạt động thông tin không khách quan, sai sự thật”.

Trong Luật Báo chí sửa đổi có quy định là cá nhân, tổ chức có quyền từ chối cung cấp thông tin, nhưng theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, điều luật mới này sẽ không dẫn đến việc bưng bít thông tin. Trong Luật Báo chí 2016, quyền từ chối này được quy định trong những trường hợp cụ thể chứ không phải tất cả các trường hợp.

"Việc cung cấp thông tin cần phải được phổ biến sâu rộng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các tổ chức, làm sao mọi người nhận thức được quyền, trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và trách nhiệm của cơ quan báo chí khi tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước. Trước thực trạng một số nhà báo vi phạm bị thu thẻ, tôi cho rằng bộ phận này chưa có nhận thức về Luật Báo chí và nhiều cơ quan báo chí buông lỏng với hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Xử lý nghiêm khắc những vụ việc vi phạm là để nhà báo soi rọi vào đó và nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của mình trong hoạt động nghề nghiệp” - Cục trưởng Lưu Đình Phúc bày tỏ quan điểm.