Từ “lép vế” trở thành “tâm điểm”
Lực lượng Houthi ngày 27/9 đã phóng một tên lửa đạn đạo vào Ben Gurion gần Tel Aviv (Israel) khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu vừa trở về từ New York.
Vào ngày 30/9, lực lượng này cũng đe dọa "tăng cường các hoạt động quân sự" nhằm vào Israel sau khi bắn hạ một drone quân sự của Mỹ bay qua Yemen.
Ngày 1/10, drone chở chất nổ đã lao vào một tàu ở Biển Đỏ. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu vận tải hàng hóa trong khu vực.
Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã chiếm phần lớn miền Bắc Yemen và thủ đô Sanaa, đẩy nước này vào xung đột kéo dài và bế tắc suốt một thập kỷ.
Theo ông Ahmed Nagi, nhà phân tích cấp cao về Yemen tại Crisis Group, trước khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra, Houthi thường bị xem là "lép vế" hơn trong một trục bao gồm Iran, lực lượng chính phủ Syria, Hezbollah ở Lebanon, Hamas và các nhóm khác trong khu vực.
Tuy nhiên, tình thế thay đổi khi Houthi bắt đầu tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden để đến kênh Suez. “Trong năm qua, Houthi đã trở thành tâm điểm”, ông Nagi cho biết.
Lực lượng Houthi sử dụng thuyền nhỏ, tên lửa tầm ngắn và drone để thực hiện các cuộc tấn công trên Biển Đỏ. (Nguồn: AP) |
Thời gian qua, các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza gây ra số lượng thương vong và mức độ tàn phá chấn động thế giới.
Tuy nhiên, ông Nagi cho biết, lực lượng Houthi lại coi sự đoàn kết giữa người Yemen và người Palestine là một "công cụ hữu ích" để chiêu mộ binh lính và tăng cường quân số.
Ngoài ra, tháng 6/2024, Houthi bất ngờ "trình làng" một loại tên lửa nhiên liệu rắn mới với nhiều đặc điểm giống loại tên lửa có khả năng bay với tốc độ siêu thanh của Iran. Lực lượng này đã phóng tên lửa mới mang tên "Palestine" vào cảng Eilat ở miền Nam Israel, nhưng không gây ra thiệt hại hay thương vong nào. Động thái quân sự của Houthi gây sự ngỡ ngàng, chủ yếu do tài nguyên hạn chế và cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài ở Yemen.
Theo Nhà phân tích cấp cao Nagi, chiến lược của nhóm vũ trang này là “leo thang dần dần” với Israel. Khi tầm ảnh hưởng tăng lên, lực lượng Houthi có thể sẽ tăng cường kho vũ khí tiên tiến.
Houthi ban đầu nhắm mục tiêu vào các tàu liên quan đến Israel, nhưng sau đó mở rộng chiến dịch ra tất cả tàu thương mại trong Biển Đỏ và Vịnh Aden. Lực lượng này sử dụng thuyền nhỏ, tên lửa tầm ngắn và drone để thực hiện các cuộc tấn công.
Chiến dịch của Houthi dẫn đến phản ứng từ một liên minh quốc tế do Mỹ và Anh lãnh đạo. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, liên minh này cũng thực hiện nhiều cuộc không kích vào “các địa điểm liên quan đến các cơ sở lưu trữ vũ khí của Houthi, hệ thống tên lửa và bệ phóng, hệ thống phòng không và radar”.
Vào tháng 7/2024, Houthi đã phóng một drone vào Tel Aviv khiến 1 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Đáp lại, Israel tiến hành không kích vào các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, bao gồm thành phố cảng Hodeida.
Kể từ đó, lực lượng Houthi cảnh báo về việc mở rộng chiến dịch ra ngoài vùng biển Trung Đông, nhằm vào các tàu đi theo lộ trình quanh mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hoặc các tàu ở Địa Trung Hải hướng tới Israel.
“Khai thác” vị thế
Theo ông Faozi al-Goidi, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, Houthi có thể sẽ "không bị răn đe" trong thời gian tới và nhắm đến các tàu xa hơn trong Ấn Độ Dương.
Ông al-Goidi cho rằng, lực lượng này cũng sẽ tìm cách “hợp tác với các lực lượng dân quân khác để xây dựng một liên minh có sức ảnh hưởng tới an ninh khu vực".
Trung tâm Soufan Group, một tổ chức phân tích an ninh phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ, cho biết Houthi đang tăng cường “tính tự chủ" trong các hoạt động và đa dạng hóa liên minh.
Lực lượng này vẫn kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen và nhận được sự ủng hộ của người dân bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, với minh chứng là hàng ngàn người ủng hộ Houthi ở Sanaa xuống đường mỗi thứ sáu hàng tuần để biểu tình đòi công lý cho người Palestine, cũng như chỉ trích Israel và Mỹ.
Hàng ngàn người ủng hộ Houthi ở Sanaa (Yemen) xuống đường mỗi thứ sáu hàng tuần để biểu tình đòi công lý cho người Palestine, cũng như chỉ trích Israel và Mỹ. (Nguồn: AP) |
"Người Yemen thuộc mọi tầng lớp chính trị, tư tưởng đều ủng hộ và có mối liên hệ sâu sắc với người dân Palestine”, nhà phân tích chính trị Yemen Abdel-Bari Taher nhấn mạnh.
Lực lượng Houthi cũng có thể tìm cách khai thác vị thế mới của mình trong tiến trình đàm phán với Saudi Arabia về giải quyết nội chiến Yemen.
Theo ông al-Goidi, giờ đây không ai có thể phớt lờ nhóm vũ trang này được nữa. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Israel-Hamas bùng nổ năm 2023, lực lượng Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào tàu vận tải hàng hóa trong toàn bộ hành lang Biển Đỏ, nhằm gây áp lực lên Israel và phương Tây.
Các nhà phân tích cho rằng, một cuộc xung đột mở rộng có thể "nâng tầm" sức mạnh quân sự cũng như sức ảnh hưởng của Houthi trong toàn khu vực, bất chấp các cuộc không kích trả đũa từ Israel, Mỹ và Anh.
Tựu trung, lực lượng Houthi ở Yemen đang khẳng định vai trò lớn hơn của mình trong bối cảnh xung đột phức tạp ở Trung Đông, đặc biệt sau những căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hamas. Với việc sử dụng các chiến thuật tấn công táo bạo và mở rộng tầm ảnh hưởng ra biển, Houthi không chỉ trở thành một nhân tố đáng gờm đối với Israel mà còn có khả năng tác động đến các mối quan hệ trong khu vực.
Tuy nhiên, cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen và tình hình kinh tế khó khăn vẫn là thách thức lớn đối với nhóm vũ trang này. Việc Houthi mở rộng chiến dịch quân sự và tìm kiếm hỗ trợ từ các đồng minh mới lại càng đặt ra câu hỏi về động lực và tương lai của cuộc xung đột. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn "sự leo thang khói lửa", đồng thời tìm kiếm giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Yemen.