📞

Lún sâu vào 'chảo lửa' Trung Đông, Mỹ có 'làm bỏng' chính mình?

Vy Anh 20:07 | 07/08/2024
Quyết tâm 'làm tới' của Israel trong cuộc xung đột ở Trung Đông đang đặt Mỹ vào thế khó. Nương theo Israel, Washington rất có thể rơi vào bẫy của Iran và cái giá phải trả là an ninh của chính nước Mỹ.
Xe tăng của quân đội Israel triển khai gần biên giới phía nam của Israel với Dải Gaza. (Nguồn: AFP)

Mục tiêu cuối cùng của Israel

Trong tuyên bố đầu tiên sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) “sẽ ngay lập tức sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để phá hủy năng lực của Hamas”.

Thời gian qua, Israel đã nỗ lực để chứng minh điều đó, đỉnh điểm là vào ngày 13/7, Israel tấn công chỉ huy quân sự Hamas Mohammed Deif và cấp phó của ông tại Khan Younis, Rafaa Salameh. (Các quan chức Israel mới đây xác nhận hai nhân vật này đã thiệt mạng).

Sau đó, Israel chuyển hướng chú ý sang Ismail Haniyeh - người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas tại Qatar - và ám sát ông ngày 31/7 bằng một quả bom được đặt trong tòa nhà nơi ông đang ở tại Tehran.

Trong thời gian giữa hai vụ ám sát các nhà lãnh đạo Hamas, Israel đã tàn phá một phần cảng Hodeida do Houthi kiểm soát ở Yemen và ám sát Fuad Shukr - cố vấn quân sự của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Các tin tức chưa được xác nhận cho biết, một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bị ám sát ở Syria không lâu sau khi ông Haniyeh qua đời.

Tất cả những vụ việc này hướng tới mục tiêu cuối cùng của Israel là chiến thắng.

Ít nhất đó là phương châm hành động của Israel, ngay cả khi các vụ ám sát các nhà lãnh đạo Hamas trước đây không khiến tổ chức này phải khuất phục. Nhà lãnh đạo bị ám sát ngay lập tức được thay thế và Hamas vẫn tiếp tục hoạt động.

Quan điểm của Israel - cách tốt nhất để đảm bảo an ninh là đánh bại Hamas trên chiến trường. Đó cũng là lý do tại sao lệnh ngừng bắn chưa bao giờ đạt được và các cuộc đàm phán luôn đi vào bế tắc.

Về phần mình, Hamas tin họ đang giành chiến thắng trong cuộc chiến bằng cách kéo Israel vào một cuộc xung đột dai dẳng làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của nước này.

Không tránh khỏi leo thang

Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

IDF có thể tiêu diệt Hamas nhưng điều đó không thực sự cải thiện được tình hình an ninh của Israel. Các vụ ám sát do Israel thực hiện chưa chắc đã có tính răn đe cao với đối thủ. Tình báo quân sự của Israel tin rằng, Iran sẽ không tấn công để đáp trả vụ ám sát 2 sĩ quan cấp cao của IRGC tại Damascus vào tháng 4. Tuy nhiên, họ đã sai.

Chắc chắn, vụ ám sát ông Haniyeh ngay tại trung tâm Tehran sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran sẽ làm gia tăng nguy cơ Iran sẽ đáp trả gay gắt.

Trên thực tế, dường như không có cách nào để tránh leo thang. Sau một loạt các vụ ám sát vừa qua, Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, ngay lập tức tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của ông Haniyeh và ra lệnh tấn công Israel.

Phản ứng của Tehran chắc chắn sẽ rất gay gắt. Nhưng nếu hành động trả đũa của Iran gây tổn thất lớn cho Israel, rất có thể xung đột sẽ leo thang và rất dễ xảy ra những tính toán sai lầm.

Israel cho rằng, cách tốt nhất để chấm dứt xung đột là Mỹ và Israel đoàn kết chống lại các mối đe dọa chung. Tuy nhiên, về phía Mỹ, bất chấp các tuyên bố thể hiện cam kết sắt đá ủng hộ Israel, các nhà lãnh đạo Mỹ không nhìn nhận cuộc xung đột theo cách tiếp cận của Israel.

Đối với người Israel, cuộc xung đột mang tính sống còn và chính phủ Israel sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chấm dứt xung đột theo hướng có lợi.

Còn với Mỹ, Washington tin rằng, đối đầu đến cùng sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi, dẫn tới nhiều thương vong cho dân thường và đặt các mục tiêu của Mỹ như hội nhập khu vực vào tình thế nguy hiểm. Do đó, Washington theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhằm giảm leo thang.

Lễ tang thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran, Iran vào 1/8. (Nguồn: Reuters)

Mỹ có thể làm gì khác?

Sự bất nhất trong nhận thức xung đột của Mỹ và Israel làm lộ rõ căng thẳng trong quan hệ giữa hai đồng minh. Israel muốn có khả năng cơ động tối đa để theo đuổi các mục tiêu quân sự. Hezbollah và Iran có hệ thống tên lửa rất mạnh, vì vậy, chắc chắn sẽ khiến Israel gặp nhiều rắc rối.

Rõ ràng, với thái độ cương quyết của Israel hiện tại, Washington đang rơi vào thế khó. Mỹ có lợi ích trong việc giúp đảm bảo an ninh cho Israel nhưng không phải với cái giá phải trả là an ninh của chính mình. Đến thời điểm hiện tại, việc Mỹ có thể thúc đẩy mạnh mẽ nhất vẫn là kêu gọi xuống thang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/8 bày tỏ hy vọng, Iran sẽ xuống thang, bất chấp lời đe dọa trả thù cho vụ giết hại ông Haniyeh.

Trước đó, ngày 1/8, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Yoav Gallant để trao đổi về nguy cơ bùng phát xung đột giữa Iran và Israel.

Theo thông cáo đăng trên trang web chính thức của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, các nhà lãnh đạo Mỹ đã tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh của Israel trước sự đe dọa từ Iran và các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực.

Đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ điều động thêm các tàu khu trục và tuần dương hạm có khả năng chống tên lửa đạn đạo, một phi đội máy bay chiến đấu và có thể là một cơ số các hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ đến khu vực Trung Đông.

Bà Singh khẳng định, những bước đi nói trên của chính quyền Biden có tính phòng vệ thuần túy và nhằm chuyển tải thông điệp răn đe đến Iran, Hezbollah và các lực lượng do Iran hậu thuẫn, qua đó hỗ trợ các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.

"Không nên làm leo thang xung đột này. Chúng tôi đã tham gia hoạt động ngoại giao mạnh mẽ với các đồng minh và đối tác, truyền đạt thông điệp đó trực tiếp đến Iran. Chúng tôi đã truyền đạt thông điệp đó trực tiếp đến Israel", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 6/8.

(theo Foreign Policy)