Điều này được các nhà quản lý và chuyên gia khẳng định tại Toạ đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, diễn ra chiều18/9.
Chủ động ứng phó với biến động xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Nguồn: VOV) |
Trả lời câu hỏi về định hướng chính sách của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12. Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
“Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu” – ông Nguyễn Đức Chi nói.
Trong ngắn hạn chưa thể bỏ được room tín dụng
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà. (Nguồn: VOV) |
Trước băn khoăn về room tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung phải giải bài toán tổng thể với rất nhiều yếu tố. Mục tiêu quan trọng nhất là đã góp phần kiểm soát lạm phát, ngoài ra phải bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Năm 2022 là năm thế giới có rất là nhiều biến động, rất khó lường, phức tạp làm cho rủi ro của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là hệ thống tài chính ngân hàng rất lớn. Do vậy lạm phát chính ưu tiên hàng đầu của rất là nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế lớn.
“Các ngân hàng trung ương lúc đầu cũng hơi chần chừ do đánh giá rằng lạm phát là do đứt giữa cung ứng và là tạm thời nhưng sau đó vấn đề không đơn giản như thế mà kéo dài dai dẳng. Các ngân hàng Trung ương phải tăng nhanh và tăng sức mạnh lãi suất, dẫn đến nguy cơ thứ hai đó là vừa lạm phát, vừa suy thoái” – ông Phạm Thanh Hà cho biết.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành và thực tế trong hơn 8 tháng qua đã sử dụng rất nhiều công cụ, biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định mặt hàng, lãi suất và cố gắng không để vòng xoáy mất giá đồng nội tệ như nhiều nước, cố gắng giữ giá trị ổn định một cách tương đối đồng Việt Nam. Tuy nhiên áp lực lạm phát cũng là lớn và vẫn còn kéo dài.
Liên quan tín dụng, Phó Thống đốc NHNN cho biết trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, trên 30%, có năm gần 54% nhưng trong 10 năm trở lại đây, NHNN cố gắng điều hành tăng trưởng ở mức khoảng từ 12 - 14%.
“Rõ ràng ổn định vĩ mô chúng ta đã đạt được trong hơn 10 năm qua. Đây là một chỉ tiêu an toàn vĩ mô cho chính hoạt động của các tổ chức tín dụng và cũng chưa thể bỏ được trong ngắn hạn” – ông Phạm Thanh Hà khẳng định.
Việt Nam đã có lựa chọn chính xác
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành. (Nguồn: VOV) |
Trước đề nghị nêu quan điểm về công tác điều hành của cơ quan quản lý thời gian qua, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Võ Trí Thành phân tích, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ là rất phức tạp, khó khăn thách thức.
“Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ lạm phát và suy thoái. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô", ông Võ Trí Thành nói.
Chuyên gia này cho rằng, lựa chọn trên có cơ sở khi cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.
Kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách 8 tháng qua tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.
Về chính sách tiền tệ, TS.Võ Trí Thành đánh giá, con số tín dụng 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn vì không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt.
TS.Võ Trí Thành đề nghị cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.
| Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022: Tăng tính tự chủ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu Chiều 18/9, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2022 tiến hành họp Phiên toàn thể với chủ đề “Củng cố nền kinh tế ... |
| Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022: Hoàn thiện chính sách đất đai trong ngữ cảnh mới và quan tâm chuyển dịch cơ cấu lao động Cải cách thể chế-hoàn thiện chính sách về đất đai, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao ... |
| Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 18/9 Sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ghi hình tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông Nhận lời mời của Lãnh đạo cấp cao và Chính phủ Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn ... |
| Bảo vệ môi trường: Nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm hàng đầu cho các vấn đề về bảo vệ môi trường ... |