📞

Luồng sinh khí mới ở Saudi Arabia

23:24 | 09/05/2016
Với việc cải tổ Nội các, Quốc vương Saudi Arabia và con trai đang cho thấy quyết tâm đưa vương quốc này thoát sự lệ thuộc vào dầu mỏ.

Hàng loạt sắc lệnh hoàng gia được công bố hôm 7/5, trong đó có việc hợp nhất nhiều Bộ của Saudi Arabia, đã phản ánh những ưu tiên mới theo kế hoạch bao quát mang tên "Tầm nhìn 2030", được Thái tử Mohammed bin Salman, đại diện nhà vua, công bố cách đây hai tuần.

Nỗ lực thay đổi

Một cán bộ ngân hàng cấp cao tại Saudi Arabia nhận định: “Điều này cho thấy họ đang rất nghiêm túc và nỗ lực để thay đổi. Tất cả đang đi đúng hướng”.

Nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này từ lâu đã nói về sự đa dạng hóa nền kinh tế, song thu nhập từ dầu mỏ bị suy giảm trong hơn hai năm qua đã thúc đẩy nỗ lực được đề ra bởi vị Thái tử 30 tuổi Mohammed, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế và Phát triển quan trọng của đất nước.

Thái tử Mohammed bin Salman. (Nguồn: Business Insider)

Bản chất của "Tầm nhìn 2030" là việc bán ra khoảng 5% cố phẩn của tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Aramco. Theo lời giới chức nước này, đây sẽ là cuộc Phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) lớn chưa từng có trên thế giới. Tiền thu được từ việc bán cổ phiếu này sẽ hỗ trợ việc thành lập quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới, với giá trị khoảng 2.000 tỉ USD, mà lợi nhuận của nó có thể thay thế cho các nguồn thu từ dầu mỏ.

Thành lập các Bộ mới

Theo nhiều chuyên gia, vai trò của Aramco hết sức quan trọng và Chính phủ đã chọn Khaled al-Falih, Chủ tịch của tập đoàn này, làm người đứng đầu bộ quan trọng mới là Bộ năng lượng, công nghiệp và tài nguyên khoáng sản.

Kể từ năm 2009, Falih làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Aramco. Tháng 5/2015, ông tham gia Nội các với chức vụ Bộ trưởng Y tế và vẫn giữ chức Chủ tịch Aramco. Ông Falih đã thay thế Ali al-Naimi, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Tài nguyên khoáng sản (hiện đã không còn tồn tại) trong khoảng hai thập kỷ.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, sự thành lập một Bộ mới lớn hơn phản ánh mong muốn của chính phủ trong việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh dầu khí. Quốc gia sa mạc này có tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời và sức gió.

Tháng trước, Falih đã trở thành Chủ tịch Công ty khai thác mỏ nhà nước Saudi Arabi Ma’aden, công ty được ưu ái đưa ra thị trường chứng khoán của vương quốc này. “Tôi nghĩ mọi người đã kỳ vọng quá nhiều vào ông ấy”, nhà ngoại giao này nhận xét.

Bên cạnh đó còn phải kể đến việc Bộ Điện và Nước đã được thay thế bằng Bộ Môi trường, Nước và Nông nghiệp. Với bản chất không có nguồn nước cục bộ, vương quốc sa mạc này đã nỗ lực để có thể tiếp cận các vùng đất hải ngoại. Theo nhà ngoại giao trên, “Chắc chắn sẽ có sự phát triển nông nghiệp ra nước ngoài hơn nữa, theo đúng lời kêu gọi của 'Tầm nhìn 2030' về các mối quan hệ chiến lược với những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên”.

“Tầm nhìn 2030” ưu tiên đa dạng hóa nền kinh tế. (Nguồn: BFN)

Ngoài ra, hai Bộ Lao động và Xã hội cũng được hợp nhất. Vương quốc với hàng triệu nhân công nước ngoài này đang nỗ lực cải thiện kỹ năng của công dân nước mình và tạo thêm nhiều việc làm cho họ. Trong khi đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp trước đây cũng được đổi tên thành Bộ Thương mại và Đầu tư, trong bối cảnh vương quốc đang tìm cách tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài và bản thân cũng đang nỗ lực trở thành một cường quốc đầu tư toàn cầu.

Chính phủ cũng chọn Ahmed al-Khulaifi làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Salah Saleh Sultan, người đứng đầu ban quản trị giàu mạnh tại công ty tài chính Muscat Capital ở Riyadh, cho biết: “Tôi nghĩ cách thức mà tầm nhìn này được xây dựng rất có tương lai, tuy nhiên cũng cần có thêm các kế hoạch cụ thể hơn về việc làm thế nào để thực thi đầy đủ nó”.

Rào cản về bộ máy

Chương trình cải tổ này đòi hỏi một luồng sinh khí mới trong chính phủ Saudi Arabia và cần trách nhiệm giải trình lớn hơn, song một quan chức cấp cao ngành ngân hàng đã nói với AFP rằng việc khắc phục những trở ngại về bộ máy quan liêu sẽ là rào cản lớn nhất cho kế hoạch nói trên. Mặc dù lạc quan về sự thành công của những nỗ lực này, song quan chức ngân hàng cũng nhấn mạnh "rất khó để có thể thay đổi hoàn toàn hướng đi như vậy”.

Trong khi đó, nhà ngoại giao châu Âu nói trên cũng chỉ ra một số thách thức khác, trong đó có việc thiếu những tổ chức giáo dục để đào tạo người dân Saudi Arabia có thể thay thế các lao động nước ngoài có tay nghề cao kể từ nay đến năm 2030 và sự phụ thuộc quá mức của người dân nước này vào sự hào phóng của chính phủ.

Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao này, Thái tử Mohammed đã đề xuất một “triển vọng rất hiện đại” cho đất nước và “ông ấy rất quyết tâm tạo ra một sự thay đổi và không chấp nhận những người không thực hiện nó”.

(theo AFP)