📞

Lý do Covid-19 thích ‘tấn công’ đàn ông trung niên?

Minh Anh 08:16 | 29/02/2020
TGVN. Chủng mới của virus corona (SARS-CoV-19) gây bệnh Covid-19 đang lan truyền nỗi sợ hãi và lo lắng trên khắp thế giới, đặc biệt đối với những người từ độ tuổi trung niên trở lên, nhất là nam giới, dường như có nguy cơ cao nhất.    
SARS-CoV-2 tạo nên mối đe dọa cao nhất đối với nhóm trung niên, người cao tuổi và đặc biệt là nam giới. (Nguồn: Medscape)

Nhóm “dễ tổn thương” nhất thường được cho là trẻ em, vì sức đề kháng yếu hay khả năng miễn dịch thấp. Tuy nhiên, số liệu thống kê về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) đang hoành hành cho thấy, trẻ em không phải “mục tiêu” đầu tiên bị tấn công.

SARS-CoV-2 đang tạo nên mối đe dọa cao nhất đối với nhóm trung niên, người cao tuổi và đặc biệt là nam giới.

Đàn ông là "phái yếu" trước virus

Trong nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc công bố mới đây về các trường hợp mắc Covid-19 cho đến nay, dù tỷ lệ nam giới bị nhiễm bệnh so với nữ giới có chênh lệch, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, đã có sự khác nhau về tỷ lệ tử vong, ở nam giới là 2,8%, còn ở nữ là 1,7% trên tổng số người mắc.

Dường như cũng đã có mối liên hệ nào đó về tỷ lệ này trong các đại dịch do virus corona gây ra, là SARS (2003) và MERS (2012). Theo một nghiên cứu tại Hong Kong năm 2003, được công bố trên Annals of Internal Medicine, dù số nữ giới nhiễm SARS cao hơn nam, nhưng tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn tới 50%.

Trong dịch do virus MERS-CoV gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, khoảng 32% nam giới bị nhiễm bệnh tử vong, tỷ lệ này với phụ nữ là 25,8%. Được biết, dịch cúm năm 1918, tỷ lệ tử vong ở nam giới trung niên cũng cao hơn nữ giới.

Business Insider công bố một nghiên cứu ở Bệnh viện Đại học Y Vũ Hán mới đây cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về cách thức SARS-CoV-2 tấn công. Các nhà nghiên cứu phát hiện Covid-19 đặc biệt “tấn công” nam giới có độ tuổi trung bình 56 (hơn 54%) và họ cũng thường đang gặp các vấn đề về sức khoẻ (bệnh nền).

Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Thống kê trên 99 bệnh nhân ở Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán đã ghi nhận độ tuổi nhiễm bệnh trung bình là 55,5 và đàn ông chiếm khoảng 68%. Hay một nghiên cứu khác trên gần 1.100 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung Quốc, tính ra tuổi trung bình là 47, đàn ông chiếm khoảng 58%.

Các dữ liệu trên khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, nam giới trong độ tuổi trung niên có những đặc điểm sinh học nào đó khiến họ dễ bị virus corona tấn công, dù điều này chưa được chứng minh.

Theo các nhà khoa học, phụ nữ hiện đang cho thấy các phản ứng miễn dịch mạnh hơn đối với các vấn đề về nhiễm trùng. Trong khi đó, có thể một số yếu tố đang “tiếp tay” cho SARS-CoV-2 chống lại đàn ông trong dịch bệnh hoành hành toàn cầu hiện nay, bao gồm các yếu tố sinh học, nhưng cũng có cả những vấn đề bắt nguồn từ lối sống.

Yếu tố sinh học hay lối sống

Khi đề cập một phản ứng miễn dịch chống lại các vấn đề về nhiễm trùng thì đàn ông là "phái yếu". “Đây là hiện tượng mà chúng tôi đã ghi nhận được khi nghiên cứu về viêm đường hô hấp - nam giới thường cho kết quả xấu hơn”, Sabra Klein, nhà nghiên cứu về sự khác biệt giới tính trong nhiễm virus và phản ứng tiêm chủng tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins cho biết.

“Chúng tôi cũng đã thấy hiện tượng này khi nghiên cứu một số virus khác. Phụ nữ thường có khả năng chống chịu bệnh tốt hơn” chuyên gia Sabra Klein cho biết thêm. Phụ nữ cũng thường tạo ra các phản ứng đề kháng mạnh hơn sau khi tiêm chủng, cũng như có các phản ứng miễn dịch tốt hơn và bền vững hơn đối với các mầm bệnh mà họ đã từng tiếp xúc từ nhỏ.

Phân tích về vấn đề này, trên tờ Nytimes, Tiến sĩ Janine Clayton, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu về Sức khỏe Phụ nữ tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ cho biết, hệ thống miễn dịch ở phụ nữ có những yếu tố khá đặc biệt. Đôi khi sức đề kháng còn phản ứng quá mức khiến phụ nữ rất dễ mắc các bệnh tự miễn (các bệnh tự sinh ra do sự rối loạn tại hệ miễn dịch) như viêm khớp dạng thấp hay ban đỏ lupus. Khi đó, hệ miễn dịch đã xem chính các tế bào nào đó của cơ thể là các kháng nguyên lạ nên quay ra tấn công chúng. Gần 80% người mắc bệnh tự miễn là phụ nữ.

Người Trung Quốc hút thuốc nhiều nhất thế giới, chiếm 1/3 số người hút thuốc lá trên toàn cầu. (Nguồn: Nytimes)

Một giả thuyết cho rằng, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ của phụ nữ là để mang lại lợi thế sống sót cho con cái. Trẻ sơ sinh hấp thụ kháng thể từ sữa mẹ để tránh nhiễm bệnh trong lúc hệ thống miễn dịch còn non nớt. Trong đó, các yếu tố sinh học đã góp phần tạo nên đặc điểm vượt trội trên, hormone estrogen của giới tính nữ dường như đã đóng vai trò miễn dịch. Và trên thực tế, phụ nữ mang hai nhiễm sắc thể X, có chứa các gen liên quan đến miễn dịch, còn nam giới thì chỉ có một.

Khi thử nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã chặn estrogen ở con cái bị nhiễm bệnh hoặc cắt bỏ buồng trứng, kết quả cho thấy khả năng chết của chúng cao hơn, nhưng việc ngăn chặn testosterone ở chuột đực không có gì khác biệt. Điều đó cho thấy, estrogen có thể đóng vai trò bảo vệ trong hệ miễn dịch. Kết quả nghiên cứu không hẳn đúng ở người, tuy nhiên cho thấy rằng, các yếu tố về giới tính cũng có vai trò nào đó trong các phản ứng đối với các bệnh nhiễm trùng.

Ngoài ra, xem xét thêm các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu còn đề cập con số 316 triệu người Trung Quốc hút thuốc lá - nhiều nhất thế giới, chiếm 1/3 số người hút thuốc lá trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ hơn 2% phụ nữ Trung Quốc hút thuốc, so với hơn một nửa số đàn ông của nước này.

Đối với các bệnh nhân nhiễm Covid-19, tỷ lệ đàn ông Trung Quốc mắc bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao hơn phụ nữ, cả hai bệnh này đều làm tăng nguy cơ biến chứng khi bị SARS-CoV-2 tấn công. Tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở nam giới Trung Quốc cũng cao gần gấp đôi so với phụ nữ.

Trong khi đó, tại một nghiên cứu khác ở Mỹ, phụ nữ thường chủ động tìm kiếm các dịch vụ nâng cao sức khỏe và quan tâm tìm hiểu việc tự chăm sóc sức khỏe nhiều hơn nam giới. Đây cũng là ý kiến của Giáo sư Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Yale. Nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng, nam giới thường ít có ý thức tự bảo vệ sức khỏe như nữ giới.

Việc thu thập và phân tích các dữ liệu giới tính, liên quan đến các bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus corona có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà nghiên cứu, mà đôi khi còn rất hữu ích cho công chúng. Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế công cộng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay đúng cánh và thường xuyên, để ngăn ngừa khả năng tấn công của virus nguy hiểm này. “Nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nam giới, kể cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe - ít rửa tay hoặc sử dụng xà phòng hơn phụ nữ, Tiến sĩ Klein của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins cho biết.

Còn đối với giới nghiên cứu, những kết quả trên cho thấy, những giả định ban đầu rằng, nam và nữ giới giống nhau về hành vi, khả năng hấp thụ sinh học hay hệ thống miễn dịch… không hoàn toàn chính xác.

Đến giờ phút này, tạm thời chưa có thuốc đặc trị bệnh Covid-19. Nhưng ở những bệnh nhân đã hồi phục, tức là phản ứng của hệ miễn dịch đã thành công, giảm viêm và “chiến thắng” virus. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa rõ về lâu dài, những người này có khả năng miễn dịch và sẽ không bị nhiễm lại hay không? hoặc họ có khả năng miễn dịch trong bao lâu? Hay họ có thể nhiễm lại với triệu chứng nhẹ hơn, thậm chí có thể không được bảo vệ gì hết… Đó lại là hàng loạt những câu hỏi khác về chủng virus corona rất mới này.