📞

Lý do Đức tiếp tục áp dụng lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch có động thái ngược lại

06:31 | 15/04/2023
Đức tiếp tục là điểm đến chính của người tị nạn ở châu Âu. Năm 2022, số người di cư bất thường được phát hiện tại biên giới bên ngoài EU lên mức cao nhất kể từ năm 2016.
Đức tiếp tục gia hạn lệnh kiểm soát biên giới với Áo thêm 6 tháng. (Nguồn: News in Germany)

Ngày 14/4, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu (EC) thông báo việc Berlin sẽ tiếp tục gia hạn lệnh kiểm soát biên giới với Áo thêm 6 tháng trong bối cảnh dòng người tị nạn tới Đức vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Là các thành viên thuộc không gian đi lại tự do Schengen, song từ năm 2015, Đức đã áp đặt lệnh kiểm soát biên giới với Áo nhằm hạn chế dòng người di cư và tị nạn ồ ạt đổ về Đức.

Trong thư gửi EC, Bộ trưởng Faeser nêu rõ, Đức tiếp tục là điểm đến chính của người tị nạn ở châu Âu và điều đáng lo ngại là trong năm 2022, số người di cư bất thường được phát hiện tại biên giới bên ngoài EU lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Ngoài ra, không có dấu hiệu dòng người di cư bất hợp pháp đổ tới Trung và Tây Âu suy giảm trong tương lai gần. Việc tiếp nhận quá nhiều người di cư đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền các bang và thành phố ở Đức trong việc cung cấp nơi ăn ở cho số người này.

Do vậy, Đức sẽ tiếp tục gia hạn lệnh kiểm soát biên giới với tuyến đường chính của người di cư bất hợp pháp tới nước này thêm 6 tháng, có hiệu lực từ ngày 12/5.

Khu vực Schengen gồm 26 quốc gia thành viên không có điểm kiểm soát cố định ở biên giới các nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số nước đã có những quy định ngoại lệ nhằm ngăn chặn dòng người di cư, trong đó Đức đã tiến hành kiểm soát ở khu vực biên giới bang Bayern, giáp với Áo, kể từ mùa Thu năm 2015 sau khi hàng chục nghìn người tị nạn tìm đường từ Hy Lạp đến Tây Âu qua tuyến đường Balkan.

Bộ trưởng Faeser khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực của châu Âu nhằm bảo vệ khu vực Schengen không có biên giới nội khối, trong đó các quốc gia thành viên cần có các công cụ phù hợp để kiểm soát và quản lý tốt hơn ở biên giới ngoài châu Âu.

Bà cho rằng, chừng nào những điều này chưa được thực hiện thì vẫn còn những nguy cơ đối với khu vực Schengen với biên giới nội bộ mở.

Khác với biên giới Đức-Áo, Bộ Tư pháp Đan Mạch ngày 14/4 thông báo, nước này có kế hoạch nới lỏng kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới giáp với Đức từ giữa tháng 5/2023.

Thay vì kiểm soát nhập cảnh, cảnh sát Đan Mạch muốn tập trung nhiều hơn vào việc chống tội phạm xuyên biên giới, trong khi các trường hợp hằng ngày đi làm hoặc đi nghỉ dưỡng từ Đức sang Đan Mạch sẽ ít bị kiểm tra hơn.

Các điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5 và trước mắt áp dụng cho đến ngày 11/11. Trong khi đó, việc kiểm soát biên giới với quốc gia láng giềng khác của Đan Mạch là Thụy Điển sẽ được loại bỏ.

Theo giới chức Đan Mạch, việc kiểm soát biên giới với Đức vẫn tạm thời được duy trì là do những bất ổn bởi xung đột ở Ukraine, mối đe dọa khủng bố và từ các cơ quan mật vụ nước ngoài cũng như sức ép từ làn sóng người di cư ở châu Âu.