"Trong tháng này, giá dầu đã mất đi hơn 8%, nhưng các nhà đầu tư cần lưu ý rằng, mức tăng đột biến đến 40% từ mức thấp của tuần trước lên ngưỡng hơn 120 USD là hoàn toàn có thể xảy ra trong năm nay. "
Khi Cầu vượt quá Cung
Theo Matt Badiali, Trưởng nhóm nghiên cứu cao cấp tại Quỹ đầu tư Banyan Hill, “Dầu lửa là một thị trường khá chặt chẽ. Cung cầu rất gần nhau và cạnh tranh gay gắt về giá đối với cả bên mua và bên bán.” Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu lửa của thị trường thế giới dự kiến sẽ đạt 99,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhưng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đứng ở mức 98,8 triệu thùng/ngày từ tháng Sáu.
Giàn khoan khai thác dầu trên hồ Maracaibo ở Venezuela. (Nguồn: AFP) |
“Chúng ta đang có một số hạn chế về nguồn cung, do một trong những nhà cung cấp dầu lửa hàng đầu thế giới là Venezuela đang gặp bế tắc về kinh tế. Chúng ta cũng đang bị gián đoạn nguồn cung tiềm năng bởi các lệnh trừng phạt một nhà cung cấp khác là Iran. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu ngày càng tăng với sự tăng trưởng trở lại của kinh tế toàn cầu”, Badiali phân tích. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đồng lòng hạn chế sản xuất, cũng là yếu tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá dầu đi lên.
Hồi tháng trước, OPEC, cùng các đồng minh ngoài OPEC như Nga đã đồng thuận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng về cơ bản cùng sản xuất tăng thêm 1 triệu thùng/ngày so với thỏa thuận trước. Động thái này có nghĩa là đã bù đắp lượng cung thiếu hụt liên quan tới những khó khăn từ Venezuela, sự gián đoạn nguồn cung từ Libya và các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran.
Quyết định khôn khéo nói trên của các nhà sản xuất dầu chủ chốt đủ để nâng sản lượng mà không làm giảm giá. Thay vào đó, giá dầu đã tăng ngay sau quyết định của họ, giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ vào ngày 29/6 đã cán ngưỡng 74,15 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Phân tích về hiện tượng này, Nhà nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời là đồng sở hữu Tổ chức Goehring & Rozencwajg cho rằng, quyết định gia tăng sản xuất thêm 1 triệu thùng/ngày “không đủ để thu hẹp khoảng cách cung - cầu, vốn đã bị nới khá rộng trong 1 năm rưỡi vừa qua”. Chính xác là khoảng 18 tháng, kể từ khi OPEC và các đồng minh thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Một cơ hội đầu tư
Tuy nhiên, trong tháng này, giá dầu đã đột ngột sụt hơn 4%, sau khi Libya mở cửa trở lại các cảng dầu. Giá dầu bắt đầu giảm mạnh, đẩy giá dầu thô Brent ngày 16/7 xuống mức thấp nhất trong 3 tháng chạm mốc 71,84 USD. Cùng với đó là một số áp lực khiến giá có thể giảm sâu hơn, khi một quan chức Mỹ đã đưa ra đề xuất ban hành một số miễn trừ đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với dầu của Iran; Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao, làm gia tăng lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu dầu; ngoài ra, còn có thông tin về việc Mỹ có thể đã tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược.
Gần đây, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi đồng minh Saudi Arabia bơm thêm dầu thô và giảm giá. Động thái này "khá mới mẻ và khá bất thường đối với một vị tổng thống… nhưng những bình luận về OPEC và giá dầu của ông ấy trên mạng xã hội thậm chí đã có tác động đến thị trường thực tế, James Bambino - Giám đốc quản lý của Báo cáo giá dầu Oilgram tại S&P Global Platts bình luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Quốc vương Salman của Saudi Arabia tại Riyadh, tháng 5/2017. (Nguồn: AP) |
Nhưng James Bambino vẫn cho rằng, những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá cả vẫn là cung và cầu. Thị trường có thể đã chứng kiến hiện tượng, các bình luận của ông Trump khiến thị trường sụt giảm tới 10 USD, nhưng một phần của sự sụt giảm đó sẽ được cho là do “những tác động về chính sách đối ngoại thường có tác động lâu dài đến các yếu tố cung - cầu”, Bambino nói.
IEA dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 100,5 triệu thùng/ngày vào năm 2019, từ 99,1 triệu thùng trong năm nay.
Chuyên gia Goehring phân tích rằng, Saudi Arabia - nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, có ít năng lực dự trữ, do phải bù đắp cho các khoản chi phí hàng tồn kho. Nhà sản xuất này có khả năng bơm khoảng 10,6 triệu thùng/ngày, trong khi đó, sản lượng hiện tại là 10,3 triệu thùng/ngày.
Các kho dự trữ dầu toàn cầu có thể nhanh chóng giảm trong quý IV/2018 , "nhanh đến mức giá dầu có thể sớm vượt mốc ba con số", Goehring dự báo. Vị chuyên gia này tin rằng, giá dầu Brent sẽ đạt 100 USD/thùng ngay trong năm nay.
Ông Trump không phải là người duy nhất mong đợi nguồn cung cấp thiếu hụt so với nhu cầu. "Dầu lửa đang chậm chạp ra khỏi một thị trường con gấu – chỉ thị trường có giá giảm", Chuyên gia của Banyan Hill - Matt Badiali nói. Vào năm 2016, trong cơn lốc giảm giá xuống mức dưới 30 USD/thùng, hàng loạt công ty năng lượng đã phải tuyên bố phá sản. Giá dầu WTI hôm thứ Năm (ngày 19/7) đã là 69,46 USD/thùng. "Một ngành công nghiệp – kể cả ngành công nghiệp có tính linh hoạt cao như dầu mỏ - cũng không thể phục hồi nhanh chóng được", chuyên gia Matt Badiali nói.
Đầu tháng 11 tới, nếu Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn quyết theo đuổi chính sách cứng rắn nhằm vào Iran. Mỹ quyết tâm ngăn chặn dòng tài chính mà Iran nhận được từ xuất khẩu dầu, do vậy, tất cả các nước sẽ phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, nếu không muốn đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. "Nếu điều đó xảy ra, vào mùa Thu này, giá dầu WTI trên thị trường có thể lên tới 120 USD/thùng”, Badiali nhận định.
“Tôi không tin rằng đà tăng giá trên thị trường dầu mỏ đang đến hồi kết. Tôi đang sử dụng sự suy giảm tức thời này như một cơ hội đầu tư”, Trưởng nhóm nghiên cứu của Quỹ đầu tư Banyan Hill - Badiali cho biết.