📞

Malaysia thắt lưng buộc bụng, củng cố nền tài chính, chính sách trợ giá kiềm chế lạm phát, có cần điều chỉnh?

Hải An 13:40 | 22/07/2022
Các nhà kinh tế cho rằng, nỗ lực của chính phủ Malaysia trong việc áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu là động thái tích cực đối với nền tài chính quốc gia.
Chính phủ Malaysia thực hiện các biện pháp để trợ cấp cho các mặt hàng thiết yếu cũng như kiểm soát giá cả nhằm giảm tác động của lạm phát.

Tăng cường vị thế tài khóa

Tuần trước, chính phủ Malaysia dự kiến cơ cấu lại việc phân bổ tài chính để đạt được mục tiêu tiết kiệm ít nhất 5% từ việc phân bổ ngân sách hoạt động còn lại cho năm 2022, nhằm hỗ trợ chi phí bổ sung liên quan đến trợ cấp phúc lợi cho người dân.

Bộ Tài chính Malaysia sẽ hoàn thiện và phát hành chứng quyền có hạn chế thông báo về số lượng phân bổ giảm bớt.

Theo thông tư của bộ trên, bất ổn kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị quốc tế cũng như giá hàng hóa và thực phẩm tăng mạnh đã làm gia tăng áp lực do lạm phát. Do đó, chính phủ thực hiện các biện pháp để trợ cấp cho các mặt hàng thiết yếu cũng như kiểm soát giá cả nhằm giảm tác động của lạm phát.

Chi phí cho trợ cấp và hỗ trợ dự kiến vào khoảng 77,7 tỷ RM (hơn 17 tỷ USD) so với mức phân bổ 31 tỷ RM đã được phê duyệt trong ngân sách 2022.

Về chính sách trên, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu phát triển tài chính công nghiệp (MIDF Research) Imran Yassin Md Yusof cho rằng, việc ưu tiên trong chi tiêu ngân sách là bước đi nhằm tăng cường vị thế nền tài chính của chính phủ trong dài hạn.

Ông chỉ ra, tháng 6 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã nâng cấp triển vọng xếp hạng tín dụng của Malaysia lên mức ổn định. Động thái này được thúc đẩy bởi xu hướng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ liên tục, vượt trội so với các quốc gia có mức thu nhập tương tự.

Trả lời phỏng vấn FMT, ông Imran nói: “Vị thế tài chính của Malaysia tương đối vững chắc và được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa nhờ triển vọng kinh tế tốt hơn”.

Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng của Đại học Sunway cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi cho rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu là dấu hiệu cho thấy cam kết của chính phủ đối với trách nhiệm tài khóa.

Ông nói: “Các cú sốc về giá thực phẩm và năng lượng trên toàn cầu đã khiến chính phủ phải thực hiện các biện pháp trợ giá”.

Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Yeah, nếu không thực hiện động thái nào, những khoản trợ cấp đó sẽ đẩy thâm hụt tài khóa của quốc gia từ 1-2% hiện nay lên 8% so với mục tiêu thâm hụt 6% được vạch ra.

Nhìn chung, ông coi động thái này là một sự điều chỉnh lại chi tiêu của chính phủ, chứ không phải là động thái cắt giảm, đồng thời cho biết các quy định về tiết kiệm chi tiêu công mà chính phủ đưa ra vào tuần trước sẽ có tác động tối thiểu đến nền kinh tế.

Ông nói: “Những khoản cắt giảm này không đủ lớn để làm giảm tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​của Malaysia mặc dù số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể ở mức thấp hơn so với mục tiêu”.

Ngân hàng Negara Malaysia đã dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2022 ở mức 5,3-6,3% do nhu cầu trong nước mạnh mẽ, nhu cầu xuất khẩu tiếp tục tăng và thị trường lao động được cải thiện.

Ngân hàng trung ương này tin rằng, tăng trưởng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng các hạn chế, mở cửa trở lại biên giới và thực hiện các dự án đầu tư.

Về phần mình, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia trong năm nay lần lượt là 5,5% và 5,75%.

Dù vậy, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội Malaysia Lee Heng Guie bày tỏ sự dè dặt trước kế hoạch tiết kiệm ít nhất 5% trong số dư phân bổ ngân sách do chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc năm.

Ông nói: “Tuy nhiên, chính phủ có thể xem xét báo cáo của tổng kiểm toán để xác định nơi có thể tiết kiệm và khắc phục tình trạng lãng phí trong chi tiêu.

Cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là thay thế các khoản trợ cấp bao trùm bằng các khoản có mục tiêu cụ thể hơn. Chế độ bao cấp hiện nay đang bị lệch, vì những người giàu có mới là những người được hưởng lợi nhiều nhất”.

Giảm triển vọng tăng trưởng?

Trong khi đó, ngày 20/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Đông Nam Á lên 5% trong năm nay so với dự báo trước đó là 4,9% và duy trì dự báo tăng trưởng 5,2% cho năm 2023.

Tăng trưởng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 được củng cố bởi tiêu dùng cá nhân tăng mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ thông qua chương trình hỗ trợ gia đình Bantuan Keluarga Malaysia. (Nguồn: Bloomberg)

Đối với Malaysia, ADB cho biết, sự không chắc chắn gia tăng và tăng trưởng toàn cầu yếu hơn đang làm giảm triển vọng tăng trưởng của Malaysia.

Theo ADB: "Tăng trưởng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 được củng cố bởi tiêu dùng cá nhân tăng mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ thông qua chương trình hỗ trợ gia đình Bantuan Keluarga Malaysia.

Nhưng niềm tin kinh doanh và Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm dần do triển vọng toàn cầu yếu hơn và sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc”.

Tăng trưởng nông nghiệp vẫn ở mức thấp trong quý đầu tiên do điều kiện thời tiết bất lợi và xung đột Nga-Ukraine.

Theo ADB, ngành du lịch đang phục hồi chậm, lượng khách năm nay dự kiến ​​chỉ bằng một phần ba mức trước đại dịch, mặc dù Malaysia đã mở cửa lại biên giới cho du khách quốc tế từ tháng 4/2022.

Do đó, ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nước này xuống 5,8% vào năm 2022 và 5,1% vào năm 2023.

Lạm phát ở Đông Nam Á vào năm 2022 được dự báo sẽ tăng đáng kể, từ 3,7% lên 4,7%. Lạm phát trong năm tới được điều chỉnh tăng, từ 3,1% lên 3,4%.

Tỷ lệ này cao hơn trong cả hai năm là do giá năng lượng, thực phẩm tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ở Malaysia, lạm phát được dự báo thấp hơn. Việc chính phủ kiểm soát giá, trợ giá đối với dầu và lương thực thực phẩm cơ bản đã thúc đẩy ADB điều chỉnh giảm dự báo lạm phát năm 2022, từ 3% xuống 2,7%.

Dự báo năm 2023, lạm phát của nước này được duy trì ở mức 2,5%.

(theo The Star, FMT)