📞

Mầm xanh đến từ những dự án phi chính phủ của Mỹ

Trọng Vũ 11:23 | 20/10/2021
Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định, nguồn viện trợ phi chính phủ của Mỹ hiện đang có mặt khắp các tỉnh, thành phố, tham gia rất tích cực vào câu chuyện xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam...

Công tác hỗ trợ hoạt động nhân đạo và phát triển của các tổ chức phi chính phủ Mỹ tại Việt Nam có kết quả nổi bật gì trong những năm qua, thưa ông?

Có thể nói, viện trợ PCP nước ngoài trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng cũng như có giá trị rất lớn đối với Việt Nam. Tính từ 1996 đến nay, nguồn viện trợ này dành cho Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD không hoàn lại. Và trong giá trị chung này, viện trợ của Mỹ thường chiếm khoảng 30-40%, có những giai đoạn chiếm tới 50% với hơn 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (thứ 4, từ trái qua) trong hoạt động của PACCOM. (Nguồn: PACCOM)

Hiện có tới 147 tổ chức PCP Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Đây cũng số lượng lớn nhất trong các nước có các tổ chức PCP hoạt động ở nước ta. Điều quan trọng là nguồn viện trợ cùng những dự án của Mỹ hiện đang có mặt trên mọi lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên, trải khắp các tỉnh, thành phố với quy mô đa dạng, từ lớn đến nhỏ. Những dự án này giống như những mầm xanh hy vọng, đang đóng góp rất tích cực trong câu chuyện xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đâu là những mô hình và dự án có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam?

Khi nhìn lại những hoạt động của các tổ chức PCP Mỹ suốt một chặng đường dài, sẽ không công bằng nếu chúng ta chỉ nêu một vài tên hay một vài mô hình tiêu biểu. Trong 25 năm qua, có rất nhiều tổ chức Mỹ đã đến Việt Nam và dù hiện tại họ không còn hoạt động nữa nhưng đã được nêu tên trong quá khứ, với những hoạt động đóng góp rất tích cực.

Tuy nhiên, nếu xét trong 5 năm gần đây thì có 9 tổ chức PCP Mỹ đã hoạt động rất hiệu quả gồm: The International Center (IC), Resource Exchange International (REI-VN), Giving it back to kids (GIBTK), Room to Read (RtR), Asia Injury Prevention Foundation (AIPF), Project Orbis, Inc ( Orbis), East Meets West Foundation (EMWF), PATH và English Language Institute in China (ELIC), đã được vinh danh tại Hội nghị quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào tháng 12/2019.

Có thể nói, các tổ chức PCP Mỹ đã triển khai hiệu quả trong các dự án liên quan đến rà phá bom mìn, giải quyết hậu quả chiến tranh đối với người khuyết tât, nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, các bạn đã thực hiện có một số chương trình phát triển vùng nhằm nâng cao đời sống kinh tế, nhận thức về quyền trẻ em và thực thi chính sách giúp trẻ em có cơ hội phát triển. Lĩnh vực y tế và giáo dục cũng được quan tâm với nhiều mô hình hay như mô hình thư viện thân thiện với trẻ em nhằm thúc đẩy thói quen và kỹ năng đọc cho các bạn trẻ, hay tuyên truyền đội mũ bảo hiểm...

Đi cùng với những mô hình và dự án ấy là những tấm lòng những người bạn Mỹ, phải không ông?

Đúng vậy, chúng ta có rất nhiều người bạn Mỹ hết lòng vì Việt Nam như ông Chuck Searcy - Phó Chủ tịch Cựu chiến binh Mỹ vì Hòa bình, chi nhánh 160 (VFP 160) - người bạn đã sinh sống, gắn bó và thực hiện các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hay bà Virginia B.Foote - Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, Chủ tịch The International Center (IC) – người phụ nữ luôn quan tâm đến vấn đề rà phá bom mìn và hỗ trợ người khuyết tật, cũng như tích cực góp phần vào hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, Chủ tịch Tổ chức Operation Smile toàn cầu William Magee và phu nhân Kathleen Magee cũng chính là người đã hỗ trợ phẫu thuật nụ cười, mang đến Việt Nam nhiều bạn bè và trở nên yêu Việt Nam hơn sau mỗi chuyến đi...

Hoạt động phá bom mìn ở Quảng Trị do tổ chức The International Center tài trợ. (Nguồn: PACCOM)

Còn những khó khăn trong công tác vận động viện trợ PCP Mỹ?

Tôi cho rằng nguồn viện trợ của Mỹ rất tiềm năng nhưng cách tiếp cận nó thế nào mới là câu chuyện đáng bàn. Theo các số liệu thống kê thì hiện ở Mỹ mỗi năm tổng viện trợ cho các lĩnh vực nhân đạo và phát triển là hơn 400 tỷ USD, trong đó chỉ 20% được sử dụng ở nước ngoài.

Thực tế những năm qua, viện trợ PCP Mỹ tại Việt Nam có xu hướng giảm đi, cao nhất có những năm tới 150 triệu USD/năm và gần đây là 85-86 triệu USD/năm.

Một khó khăn khác là câu chuyện liên quan đến thông tin tuyên truyền dù chúng ta đã nỗ lực qua nhiều kênh nhưng còn phải làm tích cực hơn nữa, đặc biệt ở thời điểm nước ta đã trở thành nước thu nhập trung bình có thể khiến bạn hiểu nhầm là Việt Nam không còn cần đến các nguồn tài trợ PCP.

Bên cạnh đó, việc chính phủ Mỹ có quan tâm nhiều hơn công tác nội bộ hơn việc viện trợ ra nước ngoài cũng đang là một thách thức, trong khi năng lực của các cơ quan tiếp nhận nguồn viện trợ ở Việt Nam chưa thực sự đồng đều ở nhiều nơi khiến chưa khai thác hết hiệu quả các dự án.

Vậy thời gian tới, PACCOM có những chủ trương và giải pháp gì cùng với các cơ quan ban ngành và các địa phương để xúc tiến nguồn viện trợ này?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025.

Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa khi xác định ưu tiên của Việt Nam trong từng lĩnh vực và địa bàn cụ thể, trong đó luôn có sự quan tâm đặc biệt dành cho các tổ chức PCP Mỹ.

Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin tới các tổ chức PCP Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động gặp gỡ truyền thống, chúng tôi mở thêm các kênh trực tuyến. Trong cách làm truyền thống, chúng tôi cũng sẽ thực hiện xã hội hóa, làm thế nào để truyền tải thông tin nhiều hơn và đổi mới cách thức tiếp cận để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà tài trợ.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển, trong đó có quan điểm chỉ đạo:

"Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

(thực hiện)