Từ khoảng 100 thành viên ban đầu, đến nay VIN đã có sự chung tay của hàng nghìn thành viên là các chuyên gia, trí thức người Việt ở các nước, với cùng tâm nguyện thu hút các nguồn lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…
VIN Taiwan sẽ tiếp tục mở rộng thành viên trong cộng đồng tri thức người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc). |
Cánh tay nối dài
Là một trong những thành viên đầu tiên của VIN của nước ngoài, Mạng luới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) ra đời từ tháng 12/2019 với tầm nhìn thúc đẩy “trao đổi đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ” chủ yếu giữa Australia, các nước tiên tiến khác và Việt Nam.
Ngoài mục đích kết nối các chuyên gia, tổ chức về lĩnh vực công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu Việt Nam và Australia, NIC AU còn là cầu nối hỗ trợ, cung cấp thông tin cập nhật, cùng các yêu cầu nguyện vọng của các chuyên gia hàng đầu và các tổ chức nước ngoài đến Chính phủ Việt Nam, để kịp thời cập nhật các chính sách đầu tư, định hướng phát triển từ phía nhà nước đến các chuyên gia, doanh nghiệp và tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư trong và ngoài nước.
TS. Trần Phi Vũ - Chủ tịch NIC AU cho biết, ba năm qua, mạng lưới có nhiều hoạt động ý nghĩa, đang và sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam bằng cách tổ chức hội thảo và kết nối với các viện, trường đại học hàng đầu về nông nghiệp tại hai nước. NIC AU cũng sẽ đồng hành cùng các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể cho nông nghiệp Việt Nam.
Hai năm dịch bệnh Covid-19 cũng là thời điểm mạng lưới NIC ra đời ở nhiều nước châu Á.
Tại Nhật Bản, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản (VJOIN) ban đầu được thành lập với khoảng 50 thành viên, hiện tại đã có gần 500 người.
Có thể thấy, các hoạt động nổi bật của VJOIN trong thời gian qua là tổ chức thành công Diễn đàn Tri thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021, Hội thảo Học thuật Việt - Nhật, ra mắt tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Thời gian tới, VJOIN dự kiến xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia và công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa Nhật Bản với Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), VIN Taiwan ra đời vào cuối năm 2021, đánh dấu bước phát triển mới của cộng đồng trí thức người Việt tại đây, đóng góp trực tiếp vào các hoạt động đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Theo TS. Võ Đức Thắng - Chủ tịch VIN Taiwan, mạng lưới này sẽ tiếp tục mở rộng thành viên trong cộng đồng tri thức người Việt tại Đài Loan, tổ chức các hội thảo hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng tuyển tập Khoa học và Công nghệ của Đài Loan...
Chính thức hoạt động từ 7/2021, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) đang tiếp tục sứ mệnh kết nối, chia sẻ và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
VINK ra đời là sự nỗ lực của 16 nhà trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với sự hỗ trợ của cá nhân Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong số các nhà trí thức này, có cả những doanh nhân, chuyên gia có học hàm, học vị cao, là nguồn lực rất tốt cho mạng lưới.
Theo anh Nguyễn Quang Phước - đại diện VINK, mạng lưới hướng tới xây dựng cộng đồng khoa học người Việt Nam tại Hàn Quốc như cố vấn khoa học, chuyển giao công nghệ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc, hỗ trợ khởi nghiệp liên quan đến công nghệ cao, tư vấn chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Phước nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để khẳng định và nâng cao vị thế của trí thức người Việt, góp phần phát triển quê hương”.
Các thành viên nhiệt huyết của VINEU. |
Vươn tới châu Âu
Ở châu Âu, các mạng lưới của VIN lần lượt được thành lập và phát triển ngày càng lớn mạnh. Sau sự kiện ra mắt từ tháng 9/2019, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức (VGI Network) đã có nhiều hoạt động tăng cường quảng bá, kết nối mạng lưới với các bộ, ban, ngành Việt Nam cũng như Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức (BMBF) và nhiều chuyên gia ở Đức.
GS. TS Nguyễn Xuân Thính - Chủ tịch VGI Network chia sẻ, ngay trong thời điểm dịch bùng phát, mạng lưới đã tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến như “Người Việt giữa tâm bão Covid-19”, về cơ hội việc làm trong đại dịch Covid-19 cho cộng đồng người Việt và gốc Việt tại Đức.
Theo Giáo sư, VGI Network tạo nền tảng hợp tác cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, qua đó cũng góp phần tăng vị thế của người Việt Nam tại Đức và hướng tới các dự án cho quê hương. Tới đây, mạng lưới sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ vào các ngành, lĩnh vực như y học, năng lượng, chuyển đổi số, công nghệ xanh, công nghệ môi trường...
Không chỉ ở Đức, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở châu Âu (VINEU) cũng đã tiếp bước ra đời từ tháng 10/2021 với tầm nhìn trở thành tổ chức kết nối rộng lớn của cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt ở khu vực. VINEU hiện đang triển khai các hoạt động chính bao gồm: tư vấn - đào tạo, kết nối đầu tư - kinh doanh, phát triển cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để triển khai các hoạt động trong nước và quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Việt Anh - Chủ tịch VINEU, mạng lưới còn tư vấn cho nhiều dự án trong nước như “Dự án công nghệ và đầu tư tại Bắc Giang”, chú trọng phát triển các dự án thực chất với các đối tác tin cậy tại Việt Nam, Đức, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hungary, Israel…
Các thành viên mới của VIN tại Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ. |
Sang Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ
Mới đây, thành viên mới của VIN tại Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ đã được ra mắt, dưới sự chứng kiến và tham dự của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, NIC cùng toàn thể các mạng lưới của VIN tại các nước và vùng lãnh thổ như Đức, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu...
Đáng chú ý, hơn 40 nhân tài Việt tại Mỹ đã tham gia sự kiện với hơn 80% là tiến sĩ và thạc sĩ, đang làm việc trong các trường đại học và các tập đoàn công nghệ lớn, như Facebook, Google và Nasa, Cisco…
Sắp tới, hai mạng lưới của VIN tại Mỹ sẽ tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy các hoạt động như giáo dục Stem, hỗ trợ doanh nghiệp, công nghệ Semiconductor, công nghệ sinh học, công nghệ Blockchain...
Đánh giá cao sự mở rộng mạng lưới của VIN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc đưa hoạt động của các thành viên lên một tầm cao hơn, tập hợp nguồn lực trí thức người Việt, cùng nhau cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy cũng cho biết, kết quả từ mạng lưới ngày càng rõ nét, nhiều thành viên đã và đang tích cực tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Quốc Huy khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng rằng đây là những bước đầu tiên vững chắc, mang lại những kết quả cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục là cơ quan bảo trợ, phối hợp và liên kết các hoạt động của VIN để quy tụ và phát huy nguồn lực tri thức của người Việt trên toàn cầu”.
“Mỗi người Việt Nam đều có cách thể hiện tình yêu đất nước một cách khác nhau tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân của mỗi người. Nước ta đang trong thời kỳ quan trọng, chuyển mình từ một nước đang phát triển tiến lên một nước phát triển, do đó nhu cầu về công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo là đặc biệt cần thiết. Tôi mong muốn được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm làm việc tại châu Âu thông qua việc triển khai, thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ về phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh và bền vững của Việt Nam”. TS. Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Công nghệ tại VINEU |