📞

Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: Để cái mới “nảy mầm”

12:48 | 08/12/2018
Nói đến nhân tài là nói đến nguyên khí của quốc gia, là sức mạnh của một đất nước. Nhìn lại, chúng ta đã thực sự có cơ chế, chính sách thỏa đáng để phát huy vốn quý này hay chưa?

Tại diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng, các trí thức trẻ dù sống, làm việc ở đâu cũng đều là tinh hoa, vốn quý của dân tộc.

Nhưng vấn đề là làm sao để diễn đàn thực sự là kênh kết nối các trí thức trẻ thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của mình trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước?

(Ảnh minh họa)

Không ít ý kiến cho rằng, về hay ở nước ngoài không quan trọng, miễn là họ có thể đóng góp cho đất nước. Nhìn lại, GS. Ngô Bảo Châu với tạp chí Pi, mở vườn ươm với 3.000 cuốn sách ở Vịnh Hạ Long là một minh chứng rõ nét.

Nhưng hai năm nay, xuất hiện hiện tượng nhiều Startup Việt sang Singapore khởi nghiệp. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm về việc nuôi dưỡng và khuyến khích những tư tưởng sáng tạo.

Vậy mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu? Có phải chúng ta vẫn đang đánh đồng người tài với bằng cấp? Thực tế người giỏi ở đâu cũng có, tiến sĩ giỏi nên tuyển nhưng công nhân kỹ thuật giỏi cũng cần trân trọng.

Có phải chúng ta vẫn chưa tận dụng được nguồn lực chất lượng cao? Phải chăng chính sách đãi ngộ đối với những người có năng lực, dù được đào tạo trong nước hay nước ngoài của ta vẫn chưa hợp lý? Nếu một bạn trẻ được đào tạo bài bản về công nghệ lại được bố trí làm việc hành chính có gì tốt hay không? Coi trọng trí thức, có chính sách sử dụng và đãi ngộ thích hợp, chẳng có lý do gì người tài không trở về.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, để hiền tài thực sự là nguyên khí quốc gia - trước tiên đất nước phải coi họ là nguyên khí đã. Chúng ta kêu gọi thu hút được người về nhưng đãi ngộ chưa xứng đáng, họ lại ra đi, lỗi này thuộc về ai? Từ câu chuyện của GS. Trương Nguyện Thành vừa qua cũng đủ để thấy, không có chỗ cho người tài ở lại nếu chính sách của chúng ta vẫn còn rườm rà, thiếu cởi mở.

Hội thảo, diễn đàn thực chất chỉ là giải pháp tạm thời, giải pháp bền vững phải là những thay đổi thực sự về chính sách. Rõ ràng, chúng ta phải cải tổ chính sách, đừng nghĩ người tài phải ở nước ngoài. Quan trọng là làm thế nào để họ có đất phát triển, xóa dần những rào cản trong quản lý.

“Cần hai người để nhảy điệu Tango”, để người tài trở về phải từ hai phía, chắc chắn họ phải được dùng thật và được đãi ngộ thỏa đáng. Khi mà phần lớn xã hội vẫn đề cao tiền bạc, địa vị thì yếu tố đó không phải mối quan tâm hàng đầu của những nhà khoa học chân chính. Điều họ cần là môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng đâu đó vẫn có những bất cập trong sử dụng và ứng xử với nhân tài.

Người tài khi về nước, hãy cho họ được vận dụng kiến thức để tạo ra những sản phẩm giá trị chứ đừng đẩy họ thành “đứa trẻ học việc”. Thiết nghĩ, một diễn đàn sẽ rất khó để giữ chân người tài. Một cơ chế hợp lý và công bằng mới là điều cần thiết để đảm bảo việc “chảy máu chất xám” không xảy ra hoặc ở mức độ cho phép.

Tất nhiên, một đất nước muốn phát triển đòi hỏi từ nhiều yếu tố chứ không thể chỉ trông chờ vào những du học sinh sẽ mang làn gió mới về. Có lẽ, những cải cách thực chất hơn về giáo dục cũng như thị trường lao động trong nước sẽ thu hút được họ trở về hơn. Đặc biệt, nhân dịp này, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được thành lập là cơ hội để “đặt hàng” hoặc tham vấn các trí thức trẻ về những vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Song song với đó, nhiều bạn trẻ mong muốn Việt Nam sớm có cơ chế và hành lang chính sách linh hoạt để những sáng kiến, cái mới có cơ hội “nảy mầm”, để nước nhà thực sự là nơi “đất lành chim đậu”.