Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Triển lãm giới thiệu 110 bộ tranh khắc gỗ dân gian của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), 20 bức tranh khắc gỗ dân gian của dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), 40 bộ tranh khắc gỗ dân gian của làng Sình (Thừa Thiên-Huế) và 20 tác phẩm tranh khắc gỗ hiện đại của các họa sỹ Việt Nam.
Thông qua triển lãm, công chúng Nhật Bản và thế giới sẽ biết đến loại hình nghệ thuật đồ họa độc đáo của Việt nam có từ lâu và diễn biến của loại hình nghệ thuật này, cũng như sự tiếp thu, ảnh hưởng truyền thống của các nghệ sỹ đồ họa Việt Nam. Qua nội dung và hình thức những tác phẩm, hiện vật trưng bày trong triển lãm, người xem thấy được sức sáng tạo, tinh thần thẩm mỹ giàu chất nhân văn của dân tộc Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Với sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước, triển lãm là cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị và sự hiểu biết của bạn bè quốc tế và nhân dân Nhật Bản về Di sản mỹ thuật truyền thống của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tiến trình giao lưu, hiểu biết về văn hóa, chính trị và kinh tế, quảng bá văn hóa – du lịch Việt Nam. Trước đó, chương trình quảng bá tranh khắc gỗ Việt Nam cũng thực hiện tại Hội thảo xúc tiến Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Osaka, Nhật Bản.
PV.