📞

​"Mạnh về biển, giàu lên từ biển"

15:00 | 17/08/2017
Đến năm 2020, kinh tế thuỷ sản chiếm 3% GDP của tỉnh Quảng Ninh, đóng góp 60-65% khối nông - lâm - ngư nghiệp, giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động...

​Từ Hội nghị đánh giá kết quả ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TU về phát triển kinh tế thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh cho thấy, ngành kinh tế thuỷ sản của tỉnh so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 13 đã có những chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực gần đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết. Điển hình như: giá trị thuỷ sản năm 2016 đạt trên 8.000 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp (năm 2013 là 44%), đóng góp 3,4% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2014-2016 là 11,1%, tăng gấp đôi so với năm 2013; thu hút lao động đạt trên 95%; tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 100.000 tấn, vượt 5,4% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Nuôi trồng, thủy sản của ngư dân Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Những dự án đầu tư lớn

Tính đến hết năm 2016, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 20.690 ha, tăng 590 ha so với năm 2013, bằng 99,83% so với mục tiêu của Nghị quyết. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2016 đạt 50.000 tấn, tăng 16.650 tấn so với năm 2013, bằng 108,69% so với mục tiêu Nghị quyết. Mặc dù, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh năm 2016 chỉ tăng khoảng 3% so với năm 2013, nhưng diện tích nuôi tôm công nghiệp đã tăng rõ rệt do chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, bán thâm canh theo quy mô công nghiệp. Nhờ đó, sản lượng tôm nuôi của tỉnh năm 2016 đã tăng 125% so với năm 2013, đứng đầu các tỉnh phía Bắc...

Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất như: dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hoà (TP. Cẩm Phả); dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản và dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và chế biến thuỷ sản tại huyện Đầm Hà...

Cùng với đó, hoạt động khai thác, chế biến thuỷ sản có những tín hiệu tích cực. Đến tháng 4/2017, toàn tỉnh có 7.494 tàu cá; trong đó, 6.988 tàu công suất dưới 90CV, 506 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2016 đạt 58.200 tấn, tăng 2.566 tấn so với năm 2013, bằng 102,1% so với mục tiêu Nghị quyết. Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa thuộc cấp tỉnh quản lý với nhiều sản phẩm có giá trị, thương hiệu, tham gia chương trình OCOP của tỉnh. 100% cơ sở chế biến thuỷ sản áp dụng quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Nghị quyết số 13-NQ/TU đề ra mục tiêu phát triển thuỷ sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và bền vững...

Với việc đưa Nghị quyết 13 vào triển khai, ngành thuỷ sản tỉnh đã có được những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để cán đích mục tiêu “mạnh từ biển, giàu lên từ biển”, ngành thuỷ sản còn rất nhiều việc phải làm. Những việc này đã được Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Đọc chỉ rõ tại Hội nghị đánh giá kết quả ba năm triển khai Nghị quyết. Theo đó, ngành thuỷ sản Quảng Ninh cần điều chỉnh tăng nhanh nuôi trồng, giảm dần đánh bắt, trong đó tập trung nuôi trồng siêu thâm canh, công nghiệp và siêu công nghiệp; tăng cường áp dụng KHCN vào nuôi trồng vừa để đảm bảo ngư dân nuôi trồng thuận lợi, vừa từng bước nâng cao giá trị kinh tế. Đối với vấn đề chế biến thuỷ sản, cần tập trung chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư phát triển sản phẩm có giá trị cao như sá sùng, ngán. Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cơ quan chức năng cần ngăn chặn việc đánh bắt tận diệt cũng như kiên quyết xử lý nghiêm đánh bắt trái phép để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản...

Từ thực tế, Phó Chi cục Thuỷ sản Hà Vân Giang cho rằng, ngành Thuỷ sản rất cần có thêm sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các ngành chức năng liên quan, trong đó có việc điều chỉnh một số chỉ tiêu tại Nghị quyết, như: tăng chỉ tiêu số lượng tàu khai thác, dịch vụ thuỷ sản xa bờ từ 400 tàu lên 600 tàu; điều chỉnh giảm diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ 23.000 ha xuống còn 20.000 ha.

Theo đó, ngành cũng cần được tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng một số chương trình, đề án để tạo sự lan toả cho phát triển thuỷ sản, cũng như bố trí nguồn lực hằng năm từ ngân sách tỉnh (khoảng 3%/tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư tập trung của tỉnh theo Nghị quyết đã đề ra) để đầu tư cho phát triển lĩnh vực giống và hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản. Có như vậy mới khai thác hết thế mạnh của ngành thuỷ sản địa phương, tăng năng suất nguồn lợi, định hướng thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững của tỉnh.