Chiến lược công nghiệp của Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck nhận được sự ủng hộ của ngành và các hiệp hội, nhưng không có được đồng thuận từ các đảng trong liên minh. (Nguồn: DPA) |
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, do chi phí năng lượng cao đang đè nặng lên các công ty công nghiệp của nước này. Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck thuộc đảng Xanh muốn thay đổi điều này nhưng đang vấp phải sự phản đối.
Niềm tin kinh doanh ở Đức đang chạm đáy khi báo cáo dữ liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của cường quốc này ở mức thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Trong khi các quốc gia như Mỹ và thậm chí cả Pháp đang phát triển, nền kinh tế đầu tàu châu Âu được dự báo giảm 0,4% trong năm nay.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Người sử dụng lao động Đức (BDA) thực hiện trong tháng 10 vừa qua cho thấy, 82% chủ doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ mối quan ngại lớn về tình trạng của nền kinh tế, khoảng 88% cho rằng chính phủ không có kế hoạch nào để xử lý khủng hoảng.
Bộ trưởng Robert Habeck thuộc đảng Xanh đang phải đối mặt với một loạt vấn đề lớn, bao gồm những thách thức địa chính trị từ xung đột Nga-Ukraine, tình hình ở Trung Đông và sự mạnh lên của Trung Quốc ở châu Á.
Thêm vào đó là quá trình chuyển đổi tốn kém của Berlin sang nền kinh tế trung hòa carbon, tốc độ số hóa chậm cũng như thiếu lao động lành nghề.
Trong nhiều thập niên qua, ngành công nghiệp vững mạnh - vốn chiếm khoảng 23% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - là xương sống của nền kinh tế Đức, bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp
Vào giữa tháng 10, Bộ trưởng Habeck đã đề xuất Chiến lược công nghiệp - một bản kế hoạch dài 60 trang gồm các biện pháp cần thiết khẩn cấp và nhiều khoản trợ cấp của nhà nước trong những năm tới.
Với kế hoạch này, ông Habeck đang theo bước Tổng thống Mỹ Joe Biden, người hiện đang chi tổng cộng 740 tỷ USD (700 tỷ Euro) để đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh hơn của nền kinh tế số 1 thế giới. Được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát, kế hoạch của ông Biden bao gồm các ưu đãi thuế lớn bên cạnh các khoản trợ cấp trực tiếp.
Chiến lược của Bộ trưởng Habeck đã được cả các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp và lãnh đạo công đoàn hoan nghênh, những người từ lâu đã kêu gọi sự hỗ trợ của nhà nước trong thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, kế hoạch này không gặp thuận lợi trong chính phủ Đức, vốn bao gồm ba đảng khác nhau với các chính sách kinh tế khác nhau. Trong khi đảng Xanh của ông Habeck nổi tiếng với cách tiếp cận theo chủ nghĩa can thiệp của nhà nước, thì đảng Dân chủ tự do theo truyền thống chống lại sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh và đảng Dân chủ xã hội không đồng tình với bất cứ điều gì có thể gây hại cho cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Nhưng điều khiến các đối tác liên minh của ông Habeck không hài lòng nhất là thời điểm thực hiện chiến lược và việc ông không thảo luận về vấn đề đó với họ trước khi công khai đề xuất của mình.
Hạn chế chi phí điện cho ngành công nghiệp
Một yếu tố quan trọng trong chiến lược công nghiệp mới là trợ cấp mạnh mẽ cho giá điện trong một số ngành công nghiệp đang phải chịu thiệt hại nặng nề do giá năng lượng tăng cao sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Khoảng hai thập niên thành công kinh tế vượt trội của Đức bắt nguồn từ nguồn cung năng lượng giá rẻ của Nga. Các công ty tại quốc gia Tây Âu này đã biến nó thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đức được mệnh danh là nhà vô địch xuất khẩu thế giới trong nhiều năm và các sản phẩm "Sản xuất tại Đức" đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng.
Không có khí đốt giá rẻ của Nga, các công ty công nghiệp Đức giờ đây phải dựa vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn. Kết quả là giá điện ở nước này tăng vọt lên mức cao nhất thế giới do sự phụ thuộc vào khí đốt đắt đỏ để sản xuất điện.
Ngân khố trống rỗng
Theo chiến lược mới đề xuất, ông Habeck kêu gọi trợ giá điện cho ngành công nghiệp ở mức 6 xu Euro (0,063 USD) mỗi kilowatt giờ. Để so sánh, người Đức vẫn phải trả khoảng 40 xu Euro cho mỗi kilowatt giờ điện bán lẻ, trong khi các ngành công nghiệp ở Mỹ hoặc Pháp được hưởng mức giá thấp tới 4 xu Euro.
Giá điện công nghiệp cũng bị xem xét với con mắt thận trọng trong chính đảng Xanh của ông Habeck. Việc làm cho năng lượng rẻ hơn đi ngược lại hệ tư tưởng về khí hậu xanh và nỗ lực hạn chế những ngành sản xuất không thân thiện với môi trường. Khá miễn cưỡng, họ dường như đồng ý với kế hoạch này sau khi nhận ra rằng người dân Đức ngày càng bị choáng ngợp bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang nổi lên.
Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz phần lớn bỏ qua việc trợ cấp giá cho ngành công nghiệp, lo ngại sự suy giảm sản xuất và mất việc làm có thể thúc đẩy các phe phái chính trị ở Đức vốn đang có những bước tiến lớn trong các cuộc thăm dò.
Chỉ có điều Thủ tướng Scholz vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục khi cho rằng giá thấp sẽ làm tăng nhu cầu và kéo theo tình trạng thiếu hụt khiến giá lại tăng. Ông Scholz lập luận, trợ cấp của nhà nước có thể làm suy yếu nỗ lực của ngành nhằm đảm bảo năng lượng an toàn và tiến tới trung hòa carbon.
Tuy nhiên, sự phản đối gay gắt nhất đối với kế hoạch của Bộ trưởng Habeck đến từ đảng Dân chủ tự do (FDP). Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, một thành viên của FDP, là người bảo vệ kiên quyết kế hoạch chính sách xóa nợ của Đức. Có nghĩa là chính phủ bị ràng buộc bởi các quy định hiến pháp trong việc chi tiêu vượt mức ngân sách và làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của đất nước một cách đáng kể. Đó là lý do tại sao ông Lindner từ chối dành 30 tỷ Euro cho đến năm 2030 trong kế hoạch ngân sách cho năm tới.
Các ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất đã phát triển mạnh nhờ khí đốt giá rẻ, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì lợi thế cạnh tranh. (Nguồn: DPA) |
Các ngành công nghiệp cốt lõi có nguy cơ biến mất
Trong bối cảnh chính phủ không thể tìm được điểm chung, cả lãnh đạo ngành và công đoàn đều đã cảnh báo về "sự mất mát trong hoạt động sản xuất sử dụng nhiều năng lượng" nếu kế hoạch trợ cấp cho năng lượng công nghiệp không được thực hiện.
Mối lo ngại của họ đã được ông Habeck nhắc lại tại một hội nghị công nghiệp gần đây ở Berlin khi nói rằng chuỗi cung ứng công nghiệp của Đức “rất nguyên vẹn từ nguyên liệu cơ bản đến khâu sản xuất cuối cùng”.
Ông nói: “Tất nhiên, chúng ta có thể quay lại sản xuất mọi thứ bằng tay, nhưng sau đó chúng ta làm suy yếu nước Đức”.
Và thực tế, Liên đoàn công nghiệp Đức (BDI) đang liên tục cảnh báo rằng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có thể bị buộc phải di dời ra nước ngoài nếu không có gì thay đổi. Chủ tịch BDI Siegfrid Russwurm phát biểu tại Hội nghị: “Nếu không còn ngành công nghiệp hóa chất ở Đức, sẽ là ảo tưởng khi cho rằng quá trình chuyển đổi các nhà máy hóa chất sẽ tiếp tục diễn ra”.
Và ông Jürgen Kerner, Phó Chủ tịch công đoàn tập đoàn kim loại lớn nhất nước Đức IG Metall nói thêm rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty gia đình với quy mô vừa hiện đang “không có triển vọng tiếp tục kinh doanh”. Ông nói, có sự không chắc chắn lớn khi “các nhà máy luyện nhôm ngừng sản xuất, các xưởng đúc và rèn đang mất đơn đặt hàng”.
Các chi nhánh của IG Metall ngày càng ghi nhận tình trạng mất khả năng thanh toán, lên kế hoạch "sa thải và đóng cửa doanh nghiệp".
Tài trợ cho kế hoạch bằng cách nào?
Với việc kho bạc nhà nước của Đức gần như trống rỗng trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng tốn kém và phức tạp, sự đồng thuận chính trị về cách tài trợ cho giá điện công nghiệp được trợ giá dường như khó thực hiện.
Bộ trưởng kinh tế nước này đang lên kế hoạch tăng nợ quốc gia để tài trợ, nhưng nói thêm rằng điều này chỉ có thể được triển khai sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2025.
Bất chấp áp lực lên các ngành công nghiệp Đức, các nhà vận động hành lang như Siegfried Russwurm của BDI vẫn phản đối việc tăng thêm nợ cho chính phủ. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đặt ra các ưu tiên trong ngân sách nhà nước. Chúng ta cần giải quyết mâu thuẫn giữa những gì có khả năng và những gì là mong muốn nhưng vượt quá khả năng chi trả”.
Bộ trưởng Habeck vẫn đang hy vọng thuyết phục được những người cùng phe trong liên minh của ông là đảng Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do về kế hoạch giải cứu cơ sở công nghiệp Đức với sự hỗ trợ của nhà nước. Thời điểm khó khăn sẽ là các cuộc đàm phán về ngân sách năm 2024 bắt đầu vào tháng 11 này, trong đó, tỷ lệ cược "50-50" rằng giá điện công nghiệp sẽ được thống nhất.