Bức ảnh do NASA chụp cho thấy chiếc hố khổng lồ trên bề mặt sao Mộc - Ảnh: Reuters |
Ông Anthony Wesley, nhà thiên văn học nghiệp dư người Úc, đã phát hiện cái hố khổng lồ gần cực nam của sao Mộc hôm 19-7, khiến giới khoa học quốc tế xôn xao khi nghĩ về một thảm kịch tương tự đối với địa cầu.
Lập trình viên 44 tuổi này đã quan sát được cái hố này bằng kính viễn vọng dài 36cm và giá chỉ 10 USD. Ông đã lập tức báo cho phòng thí nghiệm JPL của Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) tại California. Qua quan sát bằng kính thiên văn hồng ngoại trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii, NASA đã xác nhận phát hiện này. Tạp chí New Scientist dẫn lời nhà khoa học JPL Glenn Orton cho biết vẫn chưa xác định được kích thước của vật thể va chạm vào sao Mộc, nhưng “vết sẹo” mà nó để lại to bằng cả Trái đất.
NASA chụp được ảnh một điểm sáng lớn nơi vụ va chạm xảy ra, cho thấy vụ va chạm đã thiêu nóng vùng khí quyển tại khu vực đó. Các chuyên gia JPL cho rằng vật thể bí ẩn đâm vào sao Mộc có thể là một khối băng khổng lồ từ một khu vực nào đó gần sao Mộc, hoặc một sao chổi lang thang phát sáng yếu đến mức các nhà thiên văn học không phát hiện được từ trước đó.
Điều thú vị là cách đây đúng 15 năm, từ ngày 16 đến 22-7-1994, sao chổi Shoemaker-Levy 9 đã vỡ thành 21 mảnh và bắn phá dữ dội vào nam bán cầu sao Mộc, khiến giới khoa học địa cầu chấn động. Sự kiện đó đã cung cấp thêm nhiều thông tin về sao Mộc cho các nhà thiên văn học, và là bằng chứng cho thấy sự cần thiết phải giảm số lượng các mảnh vỡ không gian trong Hệ mặt trời để Trái đất có thể tránh được một vụ va chạm kinh hoàng tương tự.
Theo Tuổi Trẻ