“Lá chắn sống” đáng tin cậy của Tổng thống Mỹ
“Chúng tôi được huấn luyện cho từng tình huống cụ thể có thể xảy ra trong lễ nhậm chức”, một quan chức cao cấp của Cơ quan Mật vụ Mỹ chia sẻ. Theo quan chức này, việc huấn luyện đang diễn ra tại một khu rừng ở bang Maryland.
Mật vụ Mỹ luôn theo sát ông Trump "như hình với bóng" kể từ khi ông trúng cử Tổng thống Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Một trong những tình huống đó là việc các nhân viên Mật vụ Mỹ sẽ phải bảo vệ các yếu nhân trong lễ diễu hành qua Đại lộ Pennsylvania. Thậm chí một phiên bản giống Đại lộ Pennsylvania đến từng ngôi nhà, góc phố đã được dựng lên để các Mật vụ Mỹ “thuộc nằm lòng” từng chi tiết của khu vực này.
Theo Fox News, các nhân viên Mật vụ Mỹ sẽ phải diễn tập cho 40 kịch bản khác nhau với những mô hình “giống thật nhất có thể” của từng địa điểm liên quan đến lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Họ sẽ vừa phải duy trì hàng rào an ninh ở mức cao nhất vừa theo dõi phát hiện và ngăn chặn bất kỳ một kẻ nào trông có vẻ khả nghi.
Để thể hiện tính bất ngờ và không thể dự đoán trước trong mỗi tình huống, các mật vụ Mỹ sẽ phải đối mặt với khả năng đoàn xe của Tổng thống hay Phó Tổng thống bị tấn công từ nhiều phía và phải chuyển sang một con đường mới hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của họ. Tất cả đều đòi hỏi các mật vụ Mỹ phải phản ứng tức thời.
“Ý tưởng của việc này là khiến cho mọi nhân viên mật vụ hiểu rõ việc mình phải làm và hợp tác thật tốt với các đồng nghiệp để đảm bảo buổi lễ diễn ra suôn sẻ”, một quan chức phụ trách việc huấn luyện các mật vụ Mỹ chia sẻ.
Các mật vụ Mỹ sẽ phải thực hiện đi thực hiện lại tất cả các tình huống này theo một “vòng xoay bất tận”. Ngay khi kết thúc nhiệm vụ của mình, họ phải báo ngay cho những người sẽ tiếp tục công việc của họ. Việc huấn luyện sẽ kéo dài liên tục cho đến Lễ Nhậm chức để đảm bảo rằng, những phản ứng cần thiết đã “ăn sâu vào máu” của họ và họ sẵn sàng làm “lá chắn sống” để bảo vệ cho cả Tổng thống và Phó Tổng thống cùng các thành viên trong gia đình họ.
“Mỗi tình huống lại đòi hỏi một cách phản ứng khác nhau và chúng tôi không muốn mình phải đối mặt với một tình huống hoàn toàn mới trong lễ nhậm chức. Chúng tôi tự tin rằng, chúng tôi đã thu thập được đủ thông tin cần thiết để có thể duy trì một hàng rào an ninh đủ an toàn cho sự kiện này”, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Joseph Clancy nói.
Hàng rào an ninh này cũng được giăng lên bầu trời thủ đô Washington để đối phó với một mối đe dọa tuy còn rất mới nhưng được đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng của các máy bay không người lái.
Để chuẩn bị cho tình huống này, mật vụ Mỹ đã dàn cảnh một chiếc máy bay không người lái bất ngờ sà xuống ngay phía trên đoàn xe chở Tổng thống trong lễ nhậm chức. Chiếc máy bay này nhanh chóng phun một chất màu xanh tượng trưng cho một loại vũ khí hóa học nhằm vào đoàn xe. Mật vụ Mỹ có nhiệm vụ phải nhanh chóng hướng đoàn xe của Tổng thống theo hướng khác và trở về một địa điểm an toàn được xác định trước.
“Chúng có thể gắn rất nhiều loại vũ khí khác nhau lên những chiếc máy bay không người lái như vậy. Chúng tôi phải liên tục đưa ra các giả thiết về các âm mưu tấn công từ trên không và tìm cách giải quyết ngay lập tức”, ông Clancy nói. Để phòng xa hơn nữa, Mật vụ Mỹ đã yêu cầu cấm mọi loại máy bay không người lái xuất hiện trên bầu trời thủ đô Washington trong ngày lễ nhậm chức.
Cảnh sát tuần tra gần Nhà Trắng vào hôm thứ Tư. (Nguồn: The New York Times) |
Bảo đảm an ninh trên cả mặt trận Internet
Không chỉ bảo đảm an ninh tại các địa điểm diễn ra lễ nhậm chức và các sự kiện có liên quan, Mật vụ Mỹ còn điều thêm nhân sự về an ninh mạng để giám sát mọi cơ sở hạ tầng Internet tại các địa điểm nói trên.
Theo đó, Đơn vị Bảo vệ các Hệ thống Quan trọng được giao nhiệm vụ thiết lập hàng rào bảo vệ các hệ thống máy tính và thiết bị số tại toàn bộ những địa điểm mà Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ đến thăm trong và sau lễ nhậm chức.
Ngoài ra, trong lễ nhậm chức lần này của ông Trump, Mật vụ Mỹ lại càng thêm bận rộn với thông tin rằng, sự kiện này sẽ vấp phải số lượng các cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết, cho đến nay, ít nhất 99 tổ chức khác nhau đã lên kế hoạch biểu tình ngay trong ngày lễ nhậm chức của ông Trump. Dù vậy, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết, họ không lo ngại gì về việc này.
“Chúng tôi luôn phải đối mặt với các cuộc biểu tình trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã quá quen với các tổ chức này và đã có phương án đối phó”, ông Clancy nói.
Ngoài ra, để ngăn chặn khả năng những tên khủng bố kiểu “cây nhà lá vườn” có thể tấn công đoàn xe của Tổng thống, Mật vụ Mỹ cũng cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng khu vực vòng ngoài nơi đoàn xe đi qua. Mật vụ Mỹ dự định sẽ điều thêm các xe tải lớn chở cát và đất đá làm rào chắn bên xung quanh các tuyến đường này để ngăn chặn khả năng khủng bố tấn công bằng bom xe.
Chiến thuật này được Mật vụ Mỹ rút kinh nghiệm từ các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Berlin (Đức) và Nice (Pháp), nơi những kẻ khủng bố sử dụng xe tải hạng nặng lao qua hàng rào an ninh đâm vào đám đông khiến nhiều người thương vong.
Huy động mọi cơ quan Chính phủ Mỹ vào cuộc
Thông thường, lễ nhậm chức của một Tổng thống Mỹ được Bộ An ninh Nội địa liệt vào Sự kiện An ninh Quốc gia Đặc biệt - tương đương với mức độ bảo đảm an ninh cao nhất trong Chính phủ Mỹ - Mật vụ Mỹ cũng được giao nhiệm vụ làm đầu mối điều phối các hoạt động về an ninh trong lễ nhậm chức.
Cánh cổng khu vực chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald J. Trump luôn đóng kín. (Nguồn: The New York Times) |
Nhiệm vụ điều phối này được Mật vụ Mỹ tiến hành thông qua Trung tâm Điều phối các Cơ quan Quốc gia (MACC) do chính cơ quan này thiết lập. MACC được coi là “bộ não” phụ trách việc lên kế hoạch về tình báo và an ninh để đệ trình lên các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ là rất phức tạp và rộng lớn, chính vì thế, MACC được trao quyền huy động nguồn lực từ rất nhiều cơ quan Chính phủ khác của Mỹ để hỗ trợ họ thực hiện việc này.
Cụ thể, FBI sẽ đảm đương việc chống khủng bố cho lễ nhậm chức và mọi hoạt động có liên quan và sẽ điều lực lượng đặc nhiệm SWAT của họ tại Washington hành động nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, FBI cũng sẽ tung các nhóm trinh sát, rà phá bom mìn và chuyên gia đàm phán giải cứu con tin ra ứng cứu.
“Chúng tôi phải xem xét mọi vấn đề và mọi tình huống khác nhau, các cuộc tấn công khủng bố đơn giản với quy mô nhỏ xảy ra thường xuyên hơn rất nhiều so với 4 năm trước đây”, Trợ lý Giám đốc FBI phụ trách lhu vực Washington Paul Abbate chia sẻ: “Điều này bắt đầu bằng việc hợp tác với các cơ quan khác để cùng “vẽ ra một bức tranh rõ ràng hơn” về các mối đe dọa về an ninh và tình báo”.