Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II (2016), cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Đáng chú ý, số lượng thất nghiệp nhiều nhất nằm ở nhóm Cử nhân, Thạc sĩ với gần 200.000 người. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật có tỷ lệ thất nghiệp cao như vậy đặt ra bài toán cần phải đổi mới đào tạo tương ứng với nhu cầu tuyển dụng thực tế của thị trường lao động. Trong đó, thay đổi nhận thức của thanh niên cũng là một yếu tố không thể thiếu.
Nếu có định hướng nghề nghiệp tốt thì các em không phải loay hoay mấy năm đèn sách để rồi lại phải học hết nghề này đến nghề khác. Càng học cao càng khó xin việc tưởng ngược đời nhưng lại là một thực tế trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại không mấy mặn mà với lựa chọn học nghề.
MC, Thạc sĩ Lê Anh – Giảng viên Du lịch và Sự kiện, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này với Thế giới & Việt Nam.
MC Lê Anh. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Gần 200.000 Cử nhân, Thạc sĩ thất nghiệp thực sự là một con số không nhỏ. Là một giảng viên Đại học, anh có suy nghĩ gì về con số này?
MC Lê Anh: Rất nhiều suy ngẫm và cảm xúc từ con số này. Tôi nghĩ đến hiệu quả của những chính sách vĩ mô với khoản đầu tư khủng hàng tỉ USD cho các dự án giáo dục mà chúng ta đi vay để thực hiện trong hơn một thập kỷ qua. Tôi nghĩ đến từng cá nhân người Việt trẻ với tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ và vốn văn hóa dân tộc giàu có từ truyền thống để lại, sao chịu để mình thất nghiệp?!
Việc các em có nhất thiết phải học Đại học hay không đang được xã hội quan tâm. Việc nhiều bạn trẻ phải giấu tấm bằng của mình để đi học nghề có phải là điều đáng buồn của nền giáo dục? Quan điểm của anh về thực trạng này là gì?
Chắc là chia sẻ của tôi không mới, vì xã hội đã lên tiếng nhiều rồi, lâu rồi, rằng cánh cửa Đại học không phải là duy nhất để thành nghề, thành người. Những dồn nén trong sự chật chội của nhận thức tạo nên các tâm lý: sợ việc khó, chọn việc dễ, sợ việc tay chân, ngại việc đầu óc, ưa việc nhàn hạ, không ham làm giàu, chỉ ham ổn định và đủ sống, việc Nhà nước vẫn là nhất, hành chính hay sự nghiệp cũng tốt, có nhiều bổng lộc, ở lâu lên lão làng…
Chính tâm lý ấy quyết định lựa chọn của số đông. Vậy thôi. Tôi đi dạy hơn 15 năm tại các trường Đại học rồi, năm nào tôi cũng gặp những sinh viên mà tôi không thể hiểu vì sao họ lại chọn học Đại học, hay nói cách khác, họ học đại học để làm gì?
Theo anh thì nguyên nhân nào khiến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”? Có phải do sự phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề hiện nay chưa tốt?
Việc nhiều trường Đại học ra đời khiến cánh cửa vào Đại học mở rộng hơn bao giờ hết. Hay hàng loạt các trường Cao đẳng, Trung cấp có các hướng liên thông, liên kết, mở rộng để đào tạo tại chỗ các bậc Cử nhân hay tương đương cũng là sự gia tăng cơ hội cho người học vốn có thị hiếu “sính” Đại học.
Tôi cho đó là nguyên nhân bề mặt thôi. “Thừa thầy thiếu thợ” không chỉ là cảm giác của xã hội khi chứng kiến những con số Cử nhân, Thạc sĩ hoang mang vì "thất nghiệp… bền vững”, mà phải là nhận định có tính khoa học của cơ quan quản lý ở cấp vĩ mô với những khảo cứu minh bạch để phục vụ cho việc đưa ra những quyết sách phù hợp.
Số bạn trẻ thất nghiệp vẫn tăng lên từng ngày có phải xuất phát từ vấn đề "lệch pha" giữa đào tạo ồ ạt với thiếu phương hướng giải quyết việc làm cho các bạn trẻ không, thưa anh?
"Phương hướng giải quyết việc làm” nếu là một chủ trương xã hội ở cấp vĩ mô thì tôi nhất trí. Người quản lý xã hội phải lo liệu vấn đề này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh sự chủ động của mỗi cá nhân trong vấn đề tìm ra phương hướng giải quyết việc làm của chính mình, đừng đổ cho đào tạo ồ ạt.
Theo tôi, các trường không phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn cá nhân của mỗi người. Ngoại trừ một số trường công đã được hoạch định chỉ tiêu đào tạo khá sát, thì hệ thống đào tạo đa dạng, bung nở cũng là biểu hiện của một xã hội dân chủ, văn minh, đa lựa chọn cho các cá nhân để thực hiện quyền được đi học trong Hiến pháp có quy định. Vậy chọn như thế nào thì hưởng thụ thành quả của việc lựa chọn ấy là lẽ tất nhiên. Tôi mượn ý của lĩnh vực kinh tế và tôi thấy giáo dục cũng gần như vậy: Hãy là một người tiêu dùng thông minh!
Chuyện đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân được phổ cập hóa ngày một nhanh đã vô tình tạo ra những hệ lụy không tốt. Nhưng, thật khó để ngăn ngừa làn sóng đào tạo ồ ạt này. Vậy, theo anh thì tại sao phần lớn tâm lý học sinh cũng như phụ huynh chưa tha thiết với học nghề?
MC Lê Anh: "Không ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả!". (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Từ “phổ cập hóa” là cách chúng ta nói hình ảnh, nó dễ làm người ta nhầm tưởng rằng đó là chủ trương của nhà nước: những chủ trương hết sức cân nhắc và đi từng bước thận trọng như phổ cập xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học… Việc các bạn trẻ “nô nức” đi học Đại học và sau Đại học, như tôi đã nói, là sự lựa chọn của riêng họ, cũng là cái quyền của họ. Và trước khi quở trách cơ quan quản lý, hãy tôn trọng các quyết định của người dân cho đến khi họ có nhận thức khác đi. Việc chưa tha thiết với học nghề theo tôi vẫn là do nhận thức đơn giản, thiển cận và tâm lý a-dua, theo đám đông, một phần nữa là do vấn đề lịch sử: “Khủng hoảng lựa chọn" của thế hệ phụ huynh phần nào chuyển cái hoang mang ấy sang cho con cháu, khiến các em ít khi được hỏi “vì sao em chọn học Đại học?”.
Trong xu thế hội nhập như ngày nay, nhìn ra các nước xung quanh thấy họ không giống mình, bởi khoảng 60% - 70% học sinh học xong THPT là sẽ học nghề. Trong khi ở nước ta, các em vẫn lao vào học Đại học để rồi vừa không đến đích, lại rất tốn kém. Anh có lời khuyên nào dành cho phụ huynh và các em đang trong thời điểm lựa chọn ngành nghề, nộp hồ sơ hiện nay?
Tôi dẫn một chuyện liên quan đến tập quán và văn hóa của nước Đức và nhiều nước phát triển khác: học sinh có truyền thống làm “lễ trưởng thành” ở tuổi 16, khi họ ở lớp 9 lên lớp 10. Cái lễ này nó có ý nghĩa quan trọng định vị một mốc phát triển của người thanh niên. Sau đó là sự “phân hóa” rất khác biệt: một tỷ lệ cao đi học nghề để đi làm (tôi nhấn mạnh là ngay sau lớp 9), một số học tiếp các hệ đào tạo khác nhau, quyết định vào đại học hay không còn xa hơn nữa.
Vì thế, tôi không thể có lời khuyên gì cho phụ huynh và các em ở thời điểm lựa chọn ngành nghề hiện tại. Bởi đó chỉ là cái ngọn của vấn đề khi mà họ đã lao theo một trào lưu xã hội, chắc chắn họ có những tính toán nhất định và sẽ theo đuổi để đạt được.
Tuy nhiên, tôi lại muốn khuyên những phụ huynh và các bạn trẻ đang ở tầm trước 16 tuổi, hãy luôn tự hỏi mình ở mỗi dấu mốc cuộc đời đi học kể từ khi đủ nhận thức: “Học để làm gì?”, và hãy xác định sự kiên trì theo đuổi mục tiêu cũng như phải chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Thật sự, tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp!
Xin cảm ơn anh!