📞

MC. Trịnh Lê Anh: Hãy dùng “con mắt xanh” trước những thông tin xấu

An Bình 11:00 | 29/11/2019
TGVN. Trò chuyện với TG&VN về tình trạng thông tin tiêu cực tràn lan trên Internet hiện nay, Tiến sĩ, MC. Trịnh Lê Anh cho rằng hãy dùng nhiều hơn những “con mắt xanh” để nhìn cuộc sống và để có thể phát biểu về cuộc sống với những thông điệp của tình người và chân - thiện - mỹ.

MC. Trịnh Lê Anh trong chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo 2019, giao lưu với cụ bà Đỗ Thị Mơ 83 tuổi làm đơn xin thoát nghèo. (Ảnh: NVCC)

Sống ở thời đại mà sáng vừa thức giấc lướt mạng đã thấy “cướp, giết, hiếp” rồi “hoang mang”, “bức xúc”, theo anh, chúng ta phải tiếp nhận thế nào để không cảm thấy quá bất an?

Nhà văn Ba Lan chuyên viết về chủ đề khoa học viễn tưởng Stanislaw Lem (1921-2006), khi được hỏi về triển vọng của mạng Internet lúc đó đang trong giai đoạn bắt đầu được phổ cập, đã nói ngắn gọn: “Mới trong nôi đã làm tôi phát khiếp!”. Công nghệ tuyệt kỹ đến cùng với những bất cập trong đời sống tinh thần của con người là... có thật! Giờ đây tất cả chúng ta đang cùng phải trải nghiệm điều đó!

Chúng ta, một cách tự nhiên, khó có thể dừng quan tâm đến những thông tin “nóng” vì chúng ta không thể sống mà không can hệ đến người khác và ngược lại! Cảm xúc bất an, buồn, thất vọng... nói chung là cảm xúc tiêu cực là tất yếu đối với những người có nhận thức bình thường và không bàng quan với xung quanh. Internet rồi đến mạng xã hội đã là tác nhân quan trọng nhất làm “bùng nổ” những cảm xúc tiêu cực đó, chính vì vậy, ta buộc phải bản lĩnh hơn thôi!

Nếu chưa thể phân định đúng sai trước các thông tin chiều hướng khác nhau, cách ứng xử hợp lý nhất là không lan truyền, không khai thác quá sâu vào những thông tin đó; dừng lại việc lan truyền trên mạng xã hội và lan truyền những câu chuyện đó trong bạn bè của mình, bởi làm như vậy sẽ vô tình “kích thích”, khơi gợi tò mò và tạo điều kiện để người khác tiếp cận, tìm hiểu về những thông tin chưa xác định được đúng sự thật và tạo nên “hiệu ứng domino” trong cả cộng đồng mạng.

Nhiều nghiên cứu khoa học và nhà tâm lý đều khẳng định con người nhu cầu nghe và đọc tin tức lệch về phía tiêu cực. Vậy chúng ta có nên chủ động tránh, né không anh?

Cần chủ động tránh, né, thậm chí là không tiếp xúc với thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, tránh né theo tôi chưa phải mà cách tốt nhất! Đặc biệt, đối với trí thức: đối diện vẫn tốt hơn và đừng ngại chia sẻ trong không gian thực, chia sẻ một cách có trách nhiệm, thể hiện cả sự băn khoăn đa chiều của mình về vấn đề tiêu cực đó để nhận được sự tư vấn thực, có trách nhiệm của một công chúng đủ nhỏ để tự kiểm soát được. Về lâu dài, tự thân mỗi người cần chủ động trang bị thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tế để góp phần hình thành thói quen phản xạ khi đối diện với những thông tin xấu độc.

Một ví dụ từ bản thân, khi nhận thông tin, đầu tiên tôi truy nguyên nguồn thông tin đó, đôi khi khá mất công để tìm ra câu trả lơi: báo nào đưa tin, có phải là báo không hay một trang tin giả mạo, cá nhân nào phát ngôn, người đó có tư cách phát ngôn về vấn dề đó không, liệu có nhóm lợi ích nào đứng sau thông tin này không, liệu có phải một chiêu PR bẩn vì mục đích xấu (?) Sự hoài nghi cần song hành với việc tiếp nhận thông tin của ngày hôm nay!

Dường như phần đông độc giả đang hấp dẫn bởi những tin tức tiêu cực và nhiều đơn vị truyền thông đơn thuần chỉ đang chiều lòng độc giả để thu về lượt view như mong muốn. Nếu cứ chạy theo xu hướng này thì hậu quả sẽ ra sao anh?

Hậu quả theo tôi là một sự “dẫn dắt” vô hình hướng chúng ta đến trạng thái mất cân bằng nghiêm trọng trong cuộc sống. Nhìn một người ở trạng thái tiêu cực, không phân biệt được tốt, xấu, có xu hướng “săn” tin tiêu cực, tin một chiều thì ta cảm thấy họ rất “lệch”, nhưng cá nhân họ thì không thấy thế... Nếu cộng đồng gia tăng những người mất cân bằng như thế, tôi không thể hình dung nổi một xã hội sẽ vận hành trong hoang mang tới mức nào, khi lòng tin đã bị khủng hoảng nghiêm trọng! Theo tôi, cần bổ sung đây là một nguy cơ toàn cầu!

Trong một cuộc họp báo, một MC nổi tiếng đã nói rằng những thông tin tích cực như người tốt việc tốt, hoạt động xã hội, cộng đồng trên trang facebook của anh ấy thường có lượng like, view, share kém hơn rất nhiều so với những thông tin thể hiện trạng thái tiêu cực hay bức xúc... Anh có như vậy không?

Tôi không đăng tải và chia sẻ nhiều thông tin tiêu cực trên facebook cá nhân và fanpage của mình nên chưa có điều kiện so sánh. Tôi có nguyên tắc riêng của mình: chỉ đăng thông tin trung tính hoặc tích cực, dù có thể lượng xem không cao, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, nó sẽ có giá trị với những người cần nó.

Đăng những thông tin tiêu cực không kiểm chứng, chúng ta tự xếp mình vào các nhóm: một là bản thân mình thừa nhận mình mất cân bằng, hai là mình quá thiên về một đáp án trong sự nghi hoặc chung của cộng đồng, trong khi không có nguồn chứng, thì rất sai lầm, ba là mình đại diện cho chính nhóm lợi ích được vụ lợi từ nguồn tin đó.

Ngay kể cả đăng những thông tin tiêu cực có kiểm chứng, có nguồn tin cậy, rõ ràng thì cũng nên cân nhắc đối tượng nào, quy mô nào thụ hưởng tin đó, nếu không thì chính ta la người đăng hay chia sẻ cũng không kiểm soát được hết nguồn tin được phát tán và sử dụng lại với các chiêu thức, mục đích khác nhau. Như thế là vô trách nhiệm!

Mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người, nhất là các bạn trẻ. Cần phải sử dụng nó thế nào để trở thành công cụ hữu ích chứ không biến chúng ta thành “nô lệ”?

Thứ nhất, hãy sử dụng mạng xã hội để kết nối. Chức năng kỳ diệu này của mạng xã hội cho chúng ta đi chu du trong hệ thống liên hệ người - người (networking) vô cùng thú vị, gặp gỡ nhiều, tương tác nhiều, nhưng là ảo; chúng ta nhớ phải “lôi” hầu hết ra ánh sáng, tức là biến các gặp gỡ, tương tác ấy thành thực, để đánh giá, lựa chọn và tận hưởng thành quả của quá trình networking ấy.

Thứ hai, hãy sử dụng mạng xã hội để xây dựng, để xác nhận một thương hiệu cá nhân, hay đơn giản nhất mà một “nhân diện” mà ta mong muốn, miễn là nó tích cực! Khi đó, nó thoả mãn ta và cũng có ích cho cộng đồng! Còn nếu ai đó muốn xác nhận một “nhân diện” là một người xấu trên mạng thì nhà mạng hay các công cụ của nhà nước phải ra tay xoá bỏ, ngăn chặn, nếu không thì thiệt hại là khôn kể. Không thể để cho tư tưởng “nhà tao, tao thích làm gì kệ tao” được tồn tại, trừ phi nhà đó khoá trái cửa và vô hình trong mắt mọi người!

Thứ ba, hãy sử dụng mạng xã hội để xác minh, kiểm chứng và học hỏi. Ngoài việc nói ra một vài điều với công chúng mạng, ta có thể hỏi kia mà! Nếu chăm hỏi hơn chăm nói ra, tôi nghĩ là bạn sẽ tự thấy lợi ích của việc học một cách tự thân như thế. Hỏi cũng là cách để kiểm chứng, xác minh các nhận thức, thái độ và nội dung thông tin nhận được. Nôm na, lên mạng xã hội, hãy hỏi nhiều hơn!

Tiến sĩ Trịnh Lê Anh hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Sự kiện - Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Mới đây, Lotus - một mạng xã hội mới tại Việt Nam tuyên bố ngăn chặn thông tin tiêu cực, fake news. Anh có nghĩ đây là một cách làm hay?

Tôi nghĩ, cái khó của các công cụ quản lý vĩ mô là can thiệp đến mức nào để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tiếp cận thông tin đa chiều của công dân. Khi sự trợ giúp của các công cụ vĩ mô đến mức tối đa, tôi nghĩ là chính người dân sẽ lại có ý kiến đề nghị “cởi trói” cho thông tin, và thế là phải chấp nhận chuyện có một tỷ lệ tin xấu, tin giả và tin tiêu cực tồn tại trong đời sống của chúng ta.

Việc sử dụng công cụ ngăn chặn của nhà mạng xem ra la biện pháp hiệu quả ở hiện tại, vừa nhanh, gọn lại hiệu quả, quyết liệt! Nhưng người ta có quyền nghi ngờ giữa lời nói và việc làm của nhà mạng nếu xem xét khía cạnh lợi ích của các nhà mạng khi lượng view, lượng share và like, comment đàn là thước đo chính đánh giá sức hút của các nhà mạng đó!

Do đó, trong tương lai, cơ chế cộng đồng trong giám sát, đánh giá và ra quyết dịnh với một tin xấu, tin giả, tin tiêu cực vẫn là quan trọng nhất. Khi một tin xấu bị lượng report (báo cáo) đủ nó sẽ bị loại bỏ, chỉ có cách đó theo tôi mới hoàn toàn loại bỏ đươc vấn nạn này. Đương nhiên, bạn có quyền nghi ngờ nhận thức và hành động của đám đông, thì tôi cũng vậy. Đó là hai mặt của một vấn đề!

Vậy mỗi người cần xử lý thông tin tiêu cực ra sao, cũng như góp phần lan tỏa những điều tích cực cho cuộc sống?

Hãy hành xử như một người cân bằng trong theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin; hãy có nguyên tắc của cá nhân trong việc đó dựa theo hành lang pháp lý của vấn đề, các chuẩn mực về đạo đức và ứng xử cộng đồng; hãy dùng nhiều hơn những “con mắt xanh” để nhìn cuộc sống và để có thể phát biểu về cuộc sống với những thông điệp của tình người, của chân - thiện - mỹ!

Xin cảm ơn anh!

(thực hiện)