“Mốt” chơi phong thủy
Bạn bè đến căn biệt thự của ông Hải (ở Bình Chánh) bất ngờ vì chiếc cầu làm bằng đá bắc qua hồ bán nguyệt (bên dưới nuôi hàng trăm con cá chép vàng), dẫn vào nhà đã bị phá bỏ. Một cây cầu mới vừa được xây nằm bên phải ngôi nhà.
Ông Hải thú thật là khi mời thầy phong thủy tới xem, thầy bảo muốn “yên thân” thì phải dời ngay cây cầu, vì cho dù cầu đẹp nhưng nó đâm thẳng vào chính “trái tim” của ngôi nhà, như vậy chẳng khác nào gia chủ bị một thanh kiếm đâm thẳng vào ngực (!?). Ông Hải nghĩ “có kiêng có lành” nên nghe theo lời thầy, làm lại cây cầu mới tốn thêm gần 100 triệu đồng.
Còn một đại gia trong ngành sản xuất đồ nhựa gia dụng mới xây một biệt thự ở Thủ Đức độc đáo, phòng khách, vách tường không làm bằng gỗ, cũng chẳng phải gạch mà thay vào đó là một hồ cá bằng thủy tinh trong suốt, chiều dài đến 6m, chiều cao gần 3m, thủy cảnh bên trong hồ được nhập từ Nhật về với nhiều loại cá tuyệt đẹp, ai đến nhìn “bức tường hồ cá này” cũng phải trầm trồ vì vẻ đẹp và sự hoành tráng của nó. Có thể xếp “bức tường” này vào loại độc nhất vô nhị tại TPHCM.
Gia chủ cho biết chi phí để làm bức tường này mất khoảng 200 triệu đồng! Thế nhưng, mới đây, ông phải phá bỏ “bức tường” này, vì theo ông kể, từ khi có hồ cá, nhiều hợp đồng làm ăn bị bể, đứa con trai út của ông tự nhiên ngã bệnh.
Khi mời thầy phong thủy đến, thầy “phán” rằng: “Bức tường” là thủy, lại nằm bên trái, tức bên “tả”, ứng với chủ nhân mang mạng hỏa nên sinh khắc. Hơn nữa, “bức tường” cập với đường đi từ nhà sau ra phía trước nên “không hay, mang hết sự may mắn và tiền bạc ra ngoài đường”.
Nhiều “đại gia” không chỉ thuê thầy phong thủy về xem cho công ty mà còn mời về tận nhà mình để trực tiếp hướng dẫn thợ xây cho đúng theo phong thủy.
Nghe nói có một “đại gia” trong ngành bất động sản tại TPHCM đã lặn lội qua tận Hồng Công để “thỉnh” một thầy phong thủy về xem cho ngôi nhà của mình, rồi cho thợ xây những vật linh để đặt cho đúng theo “chỉ đạo” của thầy.
Chi phí mời thầy gồm tiền vé máy bay, ăn ở khách sạn và phí trả cho thầy nghe đâu lên đến 60.000USD! Không ít người chuộng phong thủy như “mốt thời thượng”, xem đó là niềm tự hào, khi khách đến khoe rằng nhà mình rất “OK” vì đã có bàn tay của thầy phong thủy.
Nhu cầu về phong thủy càng tăng thì ngày càng xuất hiện nhiều người xem phong thủy! Hầu như chẳng ai được đào tạo bài bản qua trường lớp, mà tự mày mò qua sách rồi trở thành… thầy!
Có một người rất nổi tiếng trong một vụ án ở thập niên 1980, mãn hạn tù, ra hành nghề phong thủy, mà nghe đâu mỗi lần nhờ ông đến, giá “bèo” nhất cũng không dưới 5 triệu đồng, còn đi tỉnh giá gấp đôi, gấp ba.
Trong các nhà sách, sách viết về phong thủy được bán tràn lan, chất lượng chẳng ai thẩm định, thậm chí nội dung của sách này “đá” sách kia, làm người quan tâm muốn mua nhưng chẳng biết đâu mà lần.
Quá lố thành mê tín!
Tại một cửa hàng chuyên bán các loại đồ vật trang trí phong thủy (ở Tân Bình), một cặp vợ chồng khi nghe chủ cửa hàng tư vấn rằng nên mua một tấm bát quái bằng đồng, đường kính chừng 150cm, mỏng dính với giá 300.000đ, để về treo trước nhà. Vì theo lời kể của cặp vợ chồng này thì trước nhà của họ là một ngôi nhà khác, có mái “tam giá” án ngữ.
Chủ cửa hàng bán đồ phong thủy bảo rằng: “Mái nhà trước mặt giống như một cái miệng (hình tam giác) “ngậm” vào nhà của anh chị. Nếu anh chị không mua bát quái về treo thì làm ăn sẽ không khấm khá, trong nhà luôn có sự cãi vã”.
Sau khi mua đĩa bát quái, người vợ cứ đòi chủ tiệm phải “sư bùa” vào đĩa mới linh nghiệm. Chủ tiệm bảo rằng đĩa đã làm sẵn như vậy, mua về cứ việc treo, nhưng với sự thỉnh cầu trông rất thành tâm, cuối cùng chủ tiệm cầm cái đĩa đến trước bàn thờ có tấm bảng toàn chữ nho, đưa cái đĩa lên gần chỗ lư hương rồi lật qua lật lại (giống như nướng bánh tráng), rồi đưa cho người mua.
Lúc này, ông chồng mới lên tiếng: “Ở trước nhà tôi cũng đã có treo một hình bát quái nhưng bằng kiếng, như vậy treo thêm cái này nữa có sao không?”. Người bán nói rằng, treo bát quái bằng kiếng chỉ trừ được tà ma thôi, còn phải treo bát quái bằng đồng mới có hiệu nghiệm để “chống” lại ngôi nhà kia. Hơn nữa, bát quái bằng đồng là “kim”, mà “kim” sẽ sinh “khí” mới đủ sức “đẩy” được cái “miệng” của nhà đối diện(!?).
Một ông hàng xóm của người viết bài này cho hay, tháng trước có mời thầy phong thủy về cúng và mua đồ đạc phong thủy và “bùa” để đặt trong nhà nên cả tháng nay làm ăn thấy khấm khá.
Khi chúng tôi hỏi phong thủy thì làm gì có chuyện cúng kiến và “bùa phép”, chủ nhà kể: “Ông thầy xem nhà xong, bảo rằng phía sau nhà tôi có ngôi mộ, như vậy theo phong thủy gọi là “hậu trẩm”, tức chỗ dựa – thế dựa của ngôi nhà không có mà còn dựa vào nơi không tốt (ngôi mộ), như vậy phải đặt một “sơn kim” – tức quả núi được làm bằng đồng, do chính thầy phong thủy này bán với giá 7 triệu đồng”.
Quả “sơn kim” đã được thầy phán bùa nên mới đắt như vậy. Còn việc cúng là “xin phép” người nằm dưới mộ cho đặt “sơn kim” để ngôi nhà có chỗ dựa. Chưa hết, thầy phong thủy còn bảo, bên phải ngôi nhà là đường đi, người qua kẻ lại ồn ào, bị “động”, không tốt trong làm ăn, sinh sống.
Thầy giải thích, theo phong thủy, bên phải ngôi nhà tức “hữu bạch hổ” (con hổ trắng bên phải) không có. Nếu bên phải ngôi nhà này mà có một ngôi nhà khác để dựa vào thì tốt, đằng này trống trơn, không có gì để lấy làm thế “bạch hổ”.
Để hóa giải vấn đề này, thầy phong thủy tư vấn phải đặt bên phải ngôi nhà tượng một con sư tử bằng đá màu trắng. Loại bằng thạch anh thì tốt. Ông hàng xóm cho biết, ngoài việc mua “kim sơn”, “bạch hổ” còn nhiều thứ lặt vặt khác, đồ cúng và tiền công cho thầy vị chi hơn 10 triệu đồng!.
Theo một tiến sĩ chuyên ngành văn hóa nói rằng, không ai phủ nhận từ bao đời nay, phong thủy được người phương Đông xem trọng. Hiện nay có rất nhiều sách, báo viết giới thiệu, tư vấn về phong thủy được nhiều người quan tâm.
Xét về mặt khoa học, trong kiến trúc, phong thủy đem lại sự hài hòa giữa kiến trúc (trang trí), môi trường sống và con người. Tuy nhiên, nếu xem phong thủy như “bùa phép”, dẫn đến mê tín thì hoàn toàn không đúng, bóp méo phong thủy.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của một số người, nhiều thầy phong thủy còn bày vẽ cúng kiến, ếm bùa…nhằm trục lợi.
Theo SGGP