Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao WEF đã ủng hộ và phối hợp tổ chức thành công Hội nghị WEF về khu vực Mekong với nhiều nội dung thiết thực, thu hút đông đảo của các tập đoàn hàng đầu là thành viên WEF.
Thủ tướng đề nghị WEF phối hợp với Việt Nam xem xét khả năng duy trì việc tổ chức Hội nghị WEF về khu vực Mekong trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các nước Mekong và các tập đoàn thành viên WEF.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành WEF Richard Samans. (Nguồn: TTX) |
Ông Samans cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với WEF chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động, sáng kiến của WEF trong thời gian tới.
Đưa ra những nhận định khá khả quan về tiềm năng của khu vực Mekong, tại Hội nghị WEF – Mekong, ông Richard Samans cho rằng mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6% của khu vực Mekong là ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng phục hồi chậm chạp ở các khu vực khác trên thế giới. Với quy mô dân số 238 triệu người, trong đó quá nửa là dưới 30 tuổi, khu vực Mekong không chỉ là một thị trường tiềm năng mà còn có lực lượng lao động trẻ trung, dồi dào, sẵn sàng nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đó là lý do khiến những động lực phát triển kinh tế như công nghiệp hóa và đô thị hóa vẫn còn nhiều dư địa ở khu vực này.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút 11 tỷ USD, cao hơn so với cả năm 2015. Đây là một bằng chứng cho thấy đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ về khu vực và gia tăng sau mỗi năm.
Giám đốc điều hành WEF Richard Samans phát biểu tại Hội nghị WEF - Mekong. (Nguồn: VGP) |
Các nước Mekong vẫn đang trong quá trình mở cửa và nắm bắt những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Bởi vậy, cải cách vẫn còn là chặng đường dài để các nước Mekong có thể phát huy được tiềm năng của mình. Tuy nhiên, Báo cáo mới nhất của WEF về chỉ số năng lực cạnh tranh cho thấy, còn có khoảng cách rất lớn giữa các nước Mekong, trong đó Thái Lan là nước có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất, đứng thứ 34, trong khi Myanmar ở vị trí 130.
Cơ hội đang mở ra, các nước Mekong có thể nâng cao sức cạnh tranh của khu vực, thu hút vốn đầu tư và tạo việc làm thông qua việc xây dựng một cơ sở sản xuất thống nhất. Tiểu vùng Mekong còn nhiều cơ hội để kết nối các nguồn lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn.