Tại Phiên thảo luận, đại diện Ban tổ chức WEF đưa ra giả thiết, nếu khu vực Mekong là 1 nước thì đó sẽ là quốc gia đông dân lớn thứ 6 của thế giới với 240 triệu người, cộng GPD của 5 nước lại sẽ đạt 800 tỷ USD. Nếu Mekong là một nền kinh tế, thì nền kinh tế này sẽ nằm trong khối G20 và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 7 thế giới.
“Rõ ràng, khu vực Mekong rất quan trọng. Năm quốc gia thuộc khu vực Mekong là láng giềng của nhau nhưng họ chưa thực sự liên kết với nhau, đây chính là vấn đề để lãnh đạo 5 nước Mekong có mặt tại đây để thảo luận, để các nước đến gần với nhau hơn", đại diện WEF nói.
Các nhà lãnh đạo chia sẻ về tầm nhìn mới khu vực Mekong. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN là một khối thống nhất trong đa dạng, 5 nước Mekong là điển hình của điều đó. Trong cuộc CMCN 4.0, vấn đề kết nối và hội nhập là rất quan trọng khi phiên thảo luận đề cập đến "Tầm nhìn mới khu vực Mekong".
Nói về sự ảnh hưởng của CMCN 4.0 làm thay đổi tầm nhìn các nước Mekong như thế nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tầm nhìn của các nước Mekong là hoà bình, hợp tác, phát triển, kết nối. Cách mạng 4.0 sẽ không ảnh hưởng tới tầm nhìn của các nước Mekong, nhưng có thể thay đổi một số phương thức, động lực để phát triển.
Thủ tướng nêu quan điểm, kết nối 4.0 nhiều mặt tác động đến nhiều mặt của các quốc gia, nên chúng ta cần thay đổi như thương mại điện tử, quản lý kinh tế, dỡ bỏ rào cản... Phương thức điều chỉnh có thể thay đổi nhưng tầm nhìn thì không thay đổi giữa 5 nước Mekong, 4.0 sẽ giúp cho tầm nhìn nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong cho rằng, trong tương lai khu vực Mekong sẽ là trung tâm và trọng tâm đưa mọi người lại gần nhau. Ông cho rằng, các nước khu vực Mekong không thể vẽ lên bản đồ thế giới về tương lai khu vực, nhưng chắc chắn dòng sông Mekong đóng vai trò là trung tâm quan trọng, có thể kết nối giữa Đông và Tây, phải và trái, kết nối các khu vực với nhau.
"Chúng tôi cũng hi vọng có thể kết nối số, kết nối văn hoá trong khu vực Mekong", ông Prajin Juntong nói.