Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Mexico, ông Guajardo nhấn mạnh, Mexico vẫn muốn Canada tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi, song nếu Ottawa quyết định không tham gia thì một số điều khoản trong thỏa thuận vừa đạt được với Mỹ sẽ phải sửa đổi, nhất là liên quan đến các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Ông nói: “Toàn bộ các quy định về xuất xứ hàng hóa được cả ba bên xem xét, do đó nếu chúng tôi tiến tới mô hình song phương thì sẽ cần phải xem xét lại”.
Trước đó cùng ngày, Mỹ và Mexico đã nhất trí xem xét lại toàn bộ NAFTA, gây sức ép buộc Canada phải nhất trí với các điều khoản mới về các quy định giải quyết tranh chấp và buôn bán xe ô tô để tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại này. Cùng ngày, hai đảng đối lập tại Canada đã đồng loạt chỉ trích đảng cầm quyền của Thủ tướng Justin Trudeau, sau khi Mỹ và Mexico đạt nhất trí về NAFTA sửa đổi mà không có sự tham gia của Canada.
Hoạt động tại cảng hàng hóa ở bang Veracruz, Mexico ngày 27/8. Ảnh: (Nguồn: AFP) |
Đảng Bảo thủ, đảng đối lập chính trong quốc hội, cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã không bảo vệ được các lợi ích thương mại của Canada, đồng thời cáo buộc Ottawa phớt lờ yêu cầu phải có cách tiếp cận nghiêm túc hơn trong quá trình đàm phán NAFTA nên cuối cùng đã để tuột mất vị trí đối tác thương mại quan trọng của Mỹ vào tay Mexico.
Trong khi đó, đảng Dân chủ mới (NDP) đối lập cũng bày tỏ quan ngại trước thông tin Mỹ và Mexico đạt thoả thuận mới, đồng thời yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Trudeau thông tin minh bạch về tiến trình tái đàm phán NAFTA, cũng như tương lai của quan hệ thương mại Mỹ - Canada.
Trong nỗ lực mới nhất, Thủ tướng Trudeau đã tiến hành hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Nội dung các cuộc đàm phán xoay quanh NAFTA và thỏa thuận mới giữa Mỹ và Mexico.