Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. |
Đây là hoạt động lớn nhất nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-227/1/2013) do BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Ngoại giao trọng thể tổ chức.
Đến dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Tổ chức cấp nhà nước Lễ kỷ niệm.
Đến dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức Trung ương và Hà Nội, các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí trực tiếp tham gia và phục vụ cho cuộc đàm phán, đại diện gia đình một số đồng chí nguyên là cán bộ hai đoàn đàm phán, đại diện Ban Liên hợp quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Paris. Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của các đại diện quốc tế, đại diện các phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của Việt Nam trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, các vị Đại sứ, đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, các cơ quan thông tấn – báo chí trong nước và quốc tế...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu làm lễ chào cờ. |
Ban tổ chức Lễ kỷ niệm còn vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN và đồng chí Lê Đức Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước.
Trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn tại Lễ mít tinh. |
Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân, dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris đều nhằm mục tiêu là buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy. Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa. Hiệp định đã mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của ta trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hiệp định Paris cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á, giai đoạn các nước Đông Nam Á hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ thù địch, xích lại gần nhau để sum họp trong cộng đồng ASEAN ngày nay”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán chính phủ CMLTCHMN Việt Nam Nguyễn Thị Bình phát biểu. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán chính phủ CMLTCHMN Việt Nam Nguyễn Thị Bình nói: “Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc, trong từng bước đi cụ thể, biết mềm dẻo và linh hoạt – tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở tại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam. Ở đây, cuộc chiến đấu không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí, cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực, đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta”.
Bà Hélène Luc – Nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp – Việt phát biểu. |
Bí thư Đoàn Bộ Ngoại giao Lê Việt Phương phát biểu. |
Qua các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, thế hệ trẻ có cơ hội được hiểu sâu sắc hơn, càng thêm thấm thía, cảm phục và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ đi trước để thế hệ ngày nay được sinh sống, học tập và làm việc trên một đất nước thống nhất, tươi đẹp, hòa bình và phát triển.
Thế hệ trẻ ngày nay ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, tiếp nối truyền thống các thế hệ cha anh, không ngừng rèn luyện phấn đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho hai đoàn đàm phán. |
Tiến sĩ Judy Gumbo Albert, nhà văn tự do, thành viên đoàn các nhà hoạt động hòa bình Mỹ: Đến dự buổi lễ mít tinh hôm nay, trong tôi tràn ngập cảm xúc. Ngay từ màn biển diễn nghệ thuật đầu tiên và bộ phim tài liệu, từ hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến quá trình giải phóng Sài Gòn. Màn diễn rất tuyệt, đặc biệt là đoạn nói về những nhà hoạt động hòa bình. Thật hoàn hảo. Tôi cảm thấy những gì mà những nhà hoạt động hòa bình như chúng tôi đã làm trong phong trào chống chiến tranh trước đây đã được thừa nhận, đánh giá cao. Thực sự trước đó khi được tiếp xúc với nhiều người dân miền Bắc, những thành viên Hội Hữu nghị, đã nói với tôi điều này nhưng phải đến tận lúc này tôi mới thực sự cảm nhận điều đó. Thật là một trải nghiệm thú vị. Tôi đã từng tham gia tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Thậm chí bản thân tôi đã có cuộc biểu tình nhỏ của chính bản thân mình để phản đối việc Nguyễn Cao Kỳ sang Mỹ. 40 năm trước đây, khi tôi đến Việt Nam, đoàn chúng tôi đã thăm tỉnh Thanh Hóa. Chứng kiến sự tương phản giữa phong cảnh đồng quê xinh đẹp hiền hòa và tiếng súng nổ đã khiến tôi hiểu rằng tại sao mình lại luôn chiến đấu vì hòa bình.Kim Chung (ghi) |
Ảnh: Minh Châu/TG&VN