📞

Mở cửa lại nền kinh tế như thế nào khi Covid-19 có thể là ‘phần tất yếu’ của cuộc sống?

Hoàng Nam 14:47 | 13/09/2021
Covid-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có chủ trương và đang chuẩn bị kỹ lưỡng để trong thời gian tới có thể vừa mở cửa lại nền kinh tế, vừa sống chung an toàn với dịch.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thủ tướng nhấn mạnh, kiểm soát tốt dịch Covid-19 là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế, đồng thời yêu cầu xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Chấp nhận sống chung với Covid-19

Ngày 7/9, một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Covid-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp; những hy vọng trước đó về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch cũng đang dần nguội tắt.

Quan chức này cho rằng, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Trước đó, WHO khẳng định, các loại vaccine phòng bệnh không thể đảm bảo thế giới sẽ xóa sổ được đại dịch Covid-19 giống như với một số loại virus khác. Như vậy, rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, tăng cường tiêm vaccine, hướng tới sống chung với dịch là xu hướng chung của hầu hết các nước.

Tại Việt Nam, trải qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch từ cuối tháng 4/2021, cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong 8 tháng vừa qua, mặc dù Việt Nam đạt được một số kết quả nhưng nền kinh tế tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế-xã hội và sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

Việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến tình hình kinh tế và xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 là 85,5 nghìn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp, tăng 6,6%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn.

Với chủng mới Delta, hầu hết các quốc gia, kể cả nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ, Anh, Singapore cũng khó kiểm soát được mức độ lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc Covid-19 phải nhập viện và tử vong trong mức kiểm soát. Theo các thống kê, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm vaccine.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế, yêu cầu xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, đã đến lúc mở cửa trở lại nền kinh tế và học cách sống chung với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, các biến thể của virus gây Covid-19 ngày càng phức tạp và luôn thay đổi, rất khó để có thể triệt tiêu hoàn toàn.

Mở cửa lại nền kinh tế bằng cách nào?

Xác định rằng không thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng tuyệt đối và thiệt hại do đóng cửa nền kinh tế kéo dài, hiện một số nước trong khu vực với tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao như Singapore, Thái Lan đã mở cửa nền kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch.

Rõ ràng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp hoạt động ổn định là điều mà ai cũng quan tâm. Ông Cấn Văn Lực cho rằng, nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới.

Cụ thể hơn, theo chuyên gia kinh tế này, phải đẩy nhanh tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu trong phòng chống dịch; các quyết định đưa ra phải nhận được sự đồng lòng giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Lực nhấn mạnh: “Phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ nếu xảy ra F0 thì phải xử lý như thế nào từ người dân đến doanh nghiệp, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy”.

Nhà kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, chấp nhận mở cửa thì không thể không có F0 nhưng phải làm gì để doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động. Sống chung với dịch trong tình hình mới tức là người nhiễm bệnh thì được đi chữa, người khỏe thì phải được đi làm.

Về vấn đề này, trao đổi với TG&VN, TS. Phạm Công Hiệp, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT nói, về cơ bản, việc mở cửa lại nên cân nhắc kỹ hai nhóm điều kiện chính: Kinh tế và xã hội.

Theo TS. Hiệp, nhóm thứ nhất là về điều kiện kinh tế, phụ thuộc vào khả năng sản xuất và trang thiết bị của doanh nghiệp trong điều kiện hạn chế do dịch bệnh.

TS. Phạm Công Hiệp, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT. (Ảnh: MN)

Cho dù mở cửa hoạt động lại, doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động như thực hiện giãn cách giữa người lao động và khách hàng, trang bị tấm che ngăn cách, giảm số lượng khách trong cùng không gian, giảm thiểu giao tiếp trực tiếp, và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Số lượng lao động trong các khu công nghiệp, nhà xưởng sẽ phải giảm khá lớn, lượng hành khách trên máy bay, xe khách, nhà hàng cũng phải giảm tương tự, trong khi chi phí vận hành, nhà xưởng không giảm tương xứng, dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong doanh nghiệp”.

Một mặt nữa là người lao động cũng sẽ phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên để đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch của Chính phủ. Điều này cũng sẽ tăng gánh nặng cho người lao động và doanh nghiệp.

Nhóm điều kiện thứ hai về mặt xã hội, theo TS Hiệp, là sự chấp nhận của chính phủ và cộng đồng về tỷ lệ hợp lý lây nhiễm cộng đồng và tỷ lệ tử vong do bệnh dịch.

Ông Hiệp khẳng định: “Như vậy, thay vì đối xử tất cả như nhau, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên được tham gia hoạt động xã hội và sản xuất “thoáng hơn” so với những người chưa được tiêm mũi nào”.

Ngoài ra, theo chuyên gia từ Đại học RMIT, việc thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các tỉnh thành là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất.

Một số ví dụ gần đây khi xe vận chuyển hàng hóa vào một số tỉnh thành phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng. Các thành phố lớn sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh thành lân cận không phối hợp các nỗ lực mở cửa.

Ông Hiệp nói: “Có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương, nhưng chúng ta cần xác định các ngành sản xuất dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh, có biện pháp nhất quán từ trung ương.

Có như vậy mới đảm bảo từng bước mở cửa nền kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả trong giai đoạn đáp ứng mới với đại dịch”.

Còn theo TS. Lê Hồng Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Trong bối cảnh của Việt Nam, nếu tính đến chuyện sống chung với dịch, mở cửa lại nền kinh tế, có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, đó là "giấy thông hành y tế" và tăng cường tiêm vaccine.

“Một điều nữa có thể học đó là cách làm có lộ trình: Tháo bỏ có lộ trình các biện pháp giãn cách tùy theo tình hình. Độ phủ vaccine của Việt Nam hiện ở mức thấp nên khi muốn làm như những nước có độ phủ vaccine cao thì bạn cẩn thận 1, chúng ta phải cẩn thận 10”, Tiến sĩ Phước nói.

TS. Phạm Công Hiệp cũng nhấn mạnh, hiện các nước mở cửa lại nền kinh tế đều áp dụng biện pháp giảm quy mô và mức độ tập trung xã hội, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan cộng đồng.

Nếu không, việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội nghiêm trọng.