📞

Mô hình tăng trưởng từ 'nâu' sang 'xanh' thay đổi diện mạo Quảng Ninh

Gia Thành 11:28 | 24/11/2022
Trong bối cảnh ngành công nghiệp tại Quảng Ninh đang phát triển mạnh, tỉnh đã có những định hướng để chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” một cách bền vững.
Một góc Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Mạnh dạn thay đổi

Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường, toàn tỉnh có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; trong đó, sản lượng khai thác nguyên khai một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m³, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn... Chỉ riêng số thu ngân sách từ ngành Than đã chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.

Tuy nhiên, tỉnh sớm nhận diện những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh. Đơn cử như mô hình tăng trưởng không bền vững, quá phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, đồng thời, các ngành, lĩnh vực tại Quảng Ninh chưa được quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, sạch, thân thiện với môi trường…

Trước tình trạng đó, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định, phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tỉnh xác định tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng.

Qua đó, để dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.

Để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như của nhân dân trong tỉnh tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2015-2020).

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước...

Trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% (so với năm 2010); giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng khoảng 10-20% so với phương án phát triển bình thường; tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu đạt 100%; tỷ lệ đầu tư phát triển các ngành nghề hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp 3-4% GDP...

Những quan điểm, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Tỉnh đã sáng tạo những cách làm mới, mô hình mới, thậm chí là chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam.

Đến năm 2020, địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.

Điểm cuối tại Km176+00, đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái) - cửa khẩu thông thương với thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Không ngừng đổi mới

Dù trải qua 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, thách thức lớn, song dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Quảng Ninh ước đạt 10,21% so cùng kỳ. Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022), Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, ước đạt trên 258.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với quy mô năm 2021.

Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng, tăng 6,38%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 97.766 tỷ đồng, tăng 10,19% cùng kỳ. Khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, là động lực tăng trưởng chính, tăng 17,34% (năm 2021 tăng 5,8%), đóng góp 5,44 điểm % trong tăng trưởng GRDP.

Tổng khách du lịch ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp trên 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 7% dự toán tỉnh giao, tăng 8% cùng kỳ; trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 37% dự toán, tăng 45% so với cùng kỳ; thu nội địa ước thực hiện đạt 42.000 tỷ đồng, tăng 18% dự toán Trung ương giao, bằng 100% dự toán giao đầu năm, tương đương cùng kỳ.

Năm 2022, Quảng Ninh triển khai, hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh; bến cảng cao cấp Ao Tiên; đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2)...

Song song với đó, tỉnh cũng tổ chức khởi công các dự án mới như: dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân Hàng, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh (thành phố Hạ Long); khởi công tổ hợp dự án nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc…

Năm 2023, Quảng Ninh xác định chủ đề năm là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giữ vững đà tăng trưởng”.

Quảng Ninh hướng tới mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định, sớm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.

Tin tưởng rằng, với cách làm sáng tạo, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chủ động chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo cách riêng của mình, Quảng Ninh sẽ sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.