Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi 4 điều kiện hỗ trợ DN, hộ kinh doanh và 4 nội dung hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. (Nguồn: Báo Dân sinh) |
Còn vướng mắc thủ tục
Để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, DN phải đảm bảo các điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đó là: Dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5-31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; DN không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời, phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Phản ánh của nhiều DN cho thấy, những điều kiện này khiến họ khó tiếp cận để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay, bởi phần lớn DN đều vướng vào điều kiện có nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc chưa quyết toán thuế năm 2020.
Theo bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, sau khi triển khai, hướng dẫn, tiếp nhận và rà soát hồ sơ pháp lý của người sử dụng lao động, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của DN về việc người sử dụng lao động thuộc lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng chưa hoàn thiện được hồ sơ đề nghị vay vốn.
Phần lớn do thiếu thông báo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 theo quy định tại điểm g, mục 1, Điều 40, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Vì thế, dù 24 DN có nhu cầu vay vốn nhưng đến nay mới giải ngân được 5 DN.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng phân tích những điểm bất cập mà DN muốn vay theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, đó là việc phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Trong khi theo pháp luật về thuế, DN có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm.
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm ngoái tới nay, nhiều DN đều rất khó khăn về tài chính, nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù DN chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là quy định chưa hợp lý.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, quá trình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội…
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Để giúp DN dễ tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi 4 điều kiện hỗ trợ DN, hộ kinh doanh và 4 nội dung hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo đó, đối với DN, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu được quy định lại là “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”, điều chỉnh giảm từ tỷ lệ từ 10% xuống 5%.
Bên cạnh đó, cũng đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc.
Dự thảo bổ sung đối tượng người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.
Đối tượng chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh được sửa đổi thành: “Hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021”.
Nội dung này bổ sung thêm điều kiện “hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động” so với quy định hiện hành.
Nhiều địa phương cũng đang tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận gói hỗ trợ này của Chính phủ.
Điển hình tại Vĩnh Phúc, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thành, thị phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để kịp thời tiếp cận, tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn để hỗ trợ các đơn vị về thủ tục, nhằm nhanh chóng giải ngân nguồn vốn này.
Hay tại Quảng Ninh, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đã báo cáo Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam để đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho một số người sử dụng lao động về điều kiện vay vốn “Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” trong Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Cùng với đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong tháng 9 này, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ thành lập ít nhất 20 đoàn kiểm tra, giám sát, giúp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. |