📞

Mở rộng hợp tác Việt - Nhật ở cấp địa phương

14:00 | 28/10/2017
Trao đổi và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương Nhật Bản và các tỉnh của Việt Nam là một xu hướng tương đối mới từ năm 2007. Cả hai phía đang cùng nỗ lực để mở rộng hợp tác địa phương trên các vùng miền của Việt Nam, trong đó có khu vực  Nam Trung Bộ.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã chia sẻ như vậy với TG&VN sau thành công của Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản – khu vực Nam Trung Bộ” được tổ chức đầu tháng Mười vừa qua.

Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio phát biểu tại Hội nghị: “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Nam Trung Bộ”, ngày 6/10/2017. (nguồn: baokhanhhoa)

Đại sứ có thể chia sẻ những kết quả nổi bật đạt được sau Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản – khu vực Nam Trung Bộ 2017? Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa khu vực Nam Trung Bộ với các đối tác Nhật Bản?

Một trong những kết quả quan trọng của Hội nghị lần này là đã thu hút thành công hơn 100 đại biểu Nhật Bản tham dự với nhận thức rõ ràng về tiềm năng mà mỗi tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ sở hữu.

Thời gian qua, hơn 2.500 công ty Nhật Bản đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, có số lượng nhiều thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Singapore và trải khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Ở miền Bắc, các công ty Nhật Bản hoạt động tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, ở miền Trung tập trung tại Đà Nẵng và ở miền Nam tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 5 năm qua, số khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam đã tăng 1,5 lần, đạt 740 nghìn khách. Tuy nhiên, đầu tư của Nhật Bản và hợp tác Việt – Nhật ở khu vực Nam Trung Bộ vẫn còn hạn chế.

Chúng tôi nhận thấy, khu vực Nam Trung Bộ của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó bao gồm việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế đặc biệt Vân Phong, Khánh Hòa; hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bao gồm nghề cá ngừ; tăng cường hợp tác quốc phòng ở vịnh Cam Ranh để thúc đẩy an ninh hàng hải; thu hút lượng du khách Nhật Bản đến Nha Trang, một trong những điểm tham quan hàng đầu thế giới. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân để tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực trên.

Theo Đại sứ, đâu là thuận lợi và khó khăn trong hợp tác giữa hai bên và giải pháp để vượt qua những khó khăn này?

Thách thức lớn nhất mà 7 tỉnh Nam Trung Bộ đang phải đối mặt là làm thế nào để giới thiệu và quảng bá được những lợi thế, ưu đãi của địa phương mình tới các nhà đầu tư tiềm năng trong cũng như ngoài nước.

Hơn nữa, có thể nói rằng sự phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng căn bản ở khu vực Nam Trung Bộ đang bị “bỏ lại” phía sau so với miền Bắc, Trung và Nam. Chúng tôi hy vọng những kế hoạch lớn sẽ được chính quyền các tỉnh triển khai liên tục với sự hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền trung ương. Chính phủ Nhật Bản sẽ làm việc với các Bộ, ngành liên quan của Chính phủ Việt Nam trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng tới tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.

Để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, điều các tỉnh, thành trong khu vực cần làm không chỉ là phổ biến rộng rãi thông tin về các điểm đầu tư tiềm năng cũng như các ưu đãi đầu tư của tỉnh, mà còn là lắng nghe ý kiến của các công ty đã thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Cơ sở thông tin tham khảo tốt nhất của các doanh nghiệp Nhật đang xem xét đầu tư vào Việt Nam thường là từ những đánh giá của các công ty đang hoạt động trong khu vực về môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, nguồn nhân lực sẵn sàng và có trình độ tiếng Nhật là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam của các công ty Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi vô cùng mong muốn mở rộng hợp tác giáo dục tiếng Nhật ở bậc trung học và đại học ở Việt Nam. Hơn nữa, với mục tiêu phổ biến rộng rãi thông tin, ngoài việc cử các đoàn kêu gọi đầu tư đến Nhật Bản, đại diện các đoàn cũng cần giải thích, thông báo về các điểm thu hút tiềm năng của tỉnh mình với Ban điều hành của Phòng Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các Đại biêu tại Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản-Khu vực Nam Trung bộ năm 2017.

Hợp tác ở cấp độ địa phương có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương Việt – Nhật, thưa Đại sứ?

Sự trao đổi và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương Nhật Bản và các tỉnh của Việt Nam là một xu hướng mới từ năm 2007. Chính phủ hai nước đã có nhiều thoả thuận hợp tác, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam năm 2013.

Cụ thể hơn, cho đến nay, năm thành phố trực thuộc Trung ương, 11 tỉnh và ba thành phố trực thuộc tỉnh của Việt Nam cùng 16 quận, 12 thành phố và một thị trấn của Nhật Bản đã trao đổi tổng cộng 37 bản ghi nhớ hợp tác. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định của Việt Nam, chúng tôi mong muốn hỗ trợ mở rộng trao đổi và hợp tác hơn nữa giữa các quận của Nhật Bản và các tỉnh của Việt Nam.

Về phía Đại sứ quán, khi Thống đốc tỉnh Hokkaido và Thống đốc tỉnh Yamanashi thăm Việt Nam trong năm nay, chúng tôi đã đề xuất thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hokkaido và tỉnh Quảng Ninh cũng như giữa tỉnh Yamanashi và tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, thông qua Hội nghị, chúng tôi đã bàn bạc kế hoạch bốn công ty Nhật Bản triển khai các hoạt động kinh doanh tại tỉnh Bình Định; hợp tác với ông Kato, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tại thành phố Sakai (Osaka) lên kế hoạch thành lập một trung tâm tiếng Nhật tại trường Đại học Quy Nhơn.

Việc mở rộng trao đổi và hợp tác ở cấp địa phương sẽ mở rộng phạm vi hợp tác song phương và giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước. Hợp tác cùng có lợi có thể góp phần khôi phục nền kinh tế địa phương và thúc đẩy văn hoá. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc để kết nối giữa các quận của Nhật Bản và các tỉnh của Việt Nam, dựa trên đặc điểm, tiềm năng của từng vùng.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)