Các đại biểu đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai nội dung Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. (Ảnh: Anh Sơn) |
Thống nhất, đồng bộ thông tin từ trung ương đến cơ sở
Nhìn lại tình hình thế giới, khu vực năm qua cho thấy có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, khó lường nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế từng bước hồi phục; các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ trên cả ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, thể hiện bước phát triển vượt bậc của quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ, góp phần duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi, thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Cùng với đó, những kết quả tích cực trong vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025 đã tạo những mặt thuận lợi trong công tác thông tin truyền thông về quyền con người, góp phần thu hút, mở rộng hơn nữa mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, lãnh đạo định hướng thông tin đối ngoại, tuyên truyền về nhân quyền được lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy các cấp quan tâm, chú trọng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập phát triển, thể hiện trên cả ba mặt:
Một là, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, thể hiện tinh thần mới, quan điểm mới của Đảng ta về công tác thông tin đối ngoại, cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quyền con người.
Hai là, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền được triển khai thường xuyên tại nhiều địa phương góp phần nâng cao kỹ năng, thống nhất nhận thức, định hướng về nhân quyền. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn liên quan đến công tác nhân quyền bảo đảm được tính chủ động, kịp thời bám sát vào diễn biến tình hình trong nước, quốc tế.
Ba là, công tác theo dõi đánh giá dư luận truyền thông trong và ngoài nước được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng hơn, nắm bắt kịp thời các diễn biến, xu hướng dư luận, tư tưởng. Các cơ quan chức năng thường xuyên rà quét, thanh lọc thông tin trên không gian mạng, nhất là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; tập hợp thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền; đồng thời đẩy mạnh xác minh, truy tìm, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng cường răn đe, cảnh báo, trấn áp thành phần đưa tin sai sự thật, xuyên tạc dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
Việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Việt Nam cũng là thành viên của 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. |
Thúc đẩy chuyển đổi số, truyền thông mạng xã hội
Điểm nổi bật trong năm 2023 là công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông mạng xã hội đã có nhiều bước tiến quan trọng. Việc ứng dụng, làm chủ công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và tận dụng hiệu quả truyền thông mạng xã hội đã góp phần giúp công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về nhân quyền được triển khai một cách toàn diện, trên tất cả các kênh bao gồm báo chí truyền thông chính thống và bán chính thống, bằng nhiều hình thức từ trực tiếp đến trực tuyến, từ thông tin qua bản tin, hội nghị tập huấn, các buổi họp báo, toạ đàm, hội thảo tới tuyên truyền miệng, tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh...
Đồng thời tích cực, tranh thủ thông tin qua lực lượng phóng viên thường trú báo chí nước ngoài tại Việt Nam, báo chí kiều bào. Các phương thức tuyên truyền như triển lãm ảnh, giải thưởng, cuộc thi… tiếp tục được triển khai rộng khắp, thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều đối tượng, thành phần trong và ngoài nước.
Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại đã chủ động, tích cực triển khai công tác chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về công tác nhân quyền đến với các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Tăng cường phủ xanh thông tin tích cực về các thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, được Nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Đẩy mạnh thông tin bằng tiếng nước ngoài, các bài viết, đánh giá của chuyên gia, người nước ngoài về thành tựu quyền con người Việt Nam; chính sách, biện pháp bảo hộ công dân, người lao động Việt Nam tại nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin thiếu khách quan, không chính xác về Việt Nam trong các văn bản, tài liệu, bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, các nước cho báo chí, nhất là thông tin sai lệch trên không gian mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thông tin tuyên truyền về nhân quyền vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc:
(i) Nguy cơ xung đột, chiến tranh thông tin trên không gian mạng bắt đầu có ảnh hưởng nhất định do hệ sinh thái truyền thông đã có những thay đổi sâu sắc, ngày càng hoàn thiện và đa dạng;
(ii) Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác vận động quần chúng liên quan đến vấn đề nhân quyền có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, nhất là vùng sâu vùng xa, chưa nhất quán, chưa đủ tài liệu tuyên truyền mang tính thuyết phục để làm cơ sở đấu tranh. Bên cạnh đó, trình độ và nhận thức về quyền con người của một bộ phận cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp còn nhiều hạn chế, kể cả ở trung ương và địa phương, trong tất cả các ngành và các lĩnh vực công tác;
(iii) Công tác nghiên cứu, dự báo chưa được triển khai bài bản, chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu hoặc cung cấp luận cứ xác đáng dẫn dắt công tác đấu tranh, phản bác, hỗ trợ công tác xử lý các luận điệu xuyên tạc, chống phá liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Số lượng các bài báo, phóng sự hoặc bài viết đấu tranh, phản bác của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên có tính thuyết phục còn hạn chế.
Bộ Ngoại giao tổ chức gặp mặt thân mật các cơ quan báo chí Việt Nam nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, ngày 26/1.. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Nỗ lực thích ứng xu thế toàn cầu
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, “cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”, thành công trong lĩnh vực đối ngoại thời gian qua đã thể hiện rõ Việt Nam đang ở tâm thế vững vàng hơn.
Ngay từ đầu năm 2024, nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đã tới thăm chính thức Việt Nam; sự quan tâm, niềm tin ngày càng lớn dành cho Việt Nam của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương, mới đây là Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2024 tại Davos, Thụy sỹ… là khởi đầu cho một năm đối ngoại sôi động, khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam bước đầu đã có những đóng góp nhất định trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác về vấn đề nhân quyền, góp phần xóa bỏ dần định kiến sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền về nhân quyền, phản bác hiệu quả thông tin sai lệch, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu chống phá, hành vi xuyên tạc, bôi xấu của các thế lực thù địch, cơ hội trên mặt trận truyền thông, góp phần giữ vững ổn định an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh tư tưởng. Kiểm soát hiệu quả các luồng thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các vấn đề cụ thể liên quan đến công tác nhân quyền của Việt Nam mà cộng đồng quốc tế và các thế lực chống phá ta quan tâm.
Hai là, chú trọng tạo dòng thông tin tích cực, chủ lưu để làm nổi bật sự đóng góp của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm và hành động của các nước trong hiện thực hóa các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người; khẳng định sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; cải thiện những đánh giá, nhận định đ kiến, thiếu khách quan của một số nước, tổ chức quốc tế về Việt Nam trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.
Từ ngày 16-18/9/2023, đại diện một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam có chuyến đi thực tế tại tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong ảnh: Các phóng viên phỏng vấn giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên tại buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ba là, đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò nắm bắt, điều phối và trao đổi thông tin của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam và truyền thông, báo chí, bạn bè, đối tác nước ngoài. Đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền, chú trọng sử dụng loại hình truyền thông mới bên cạnh các phương thức tuyên truyền truyền thống nhằm gia tăng sức lan tỏa cả trong và ngoài nước.
Bốn là, chú trọng tập huấn, nâng cao kiến thức về quyền con người và kỹ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ các cấp. Báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, là lực lượng đi đầu trong thông tin đối ngoại về quyền con người nhưng cũng có thể vi phạm quyền con người do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi phạm bí mật đời tư, thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái...
Năm là, chủ động các phương án, biện pháp đấu tranh, phản bác mạnh mẽ, kịp thời những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam.
Sáu là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo về công tác nhân quyền; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh.
Công tác nhân quyền giai đoạn tới cần vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người, vừa đi đôi với đấu tranh, bảo vệ nhân quyền; trong đó việc bảo đảm tốt quyền con người vừa là nhu cầu, xu thế của xã hội, vừa là cơ sở để ta đấu tranh, tuyên truyền về nhân quyền, nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.
* Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại
| Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người Tôn trọng, bảo vệ quyền con người là một nội dung xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. |
| 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người Đối với Việt Nam, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (TNQTNQ) và việc kỷ niệm 75 năm thông qua TNQTNQ (10/12/1948-2023) có ý nghĩa đặc ... |
| Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, thúc đẩy đoàn kết quốc tế và phát triển bao trùm, bền vững Sáng 26/2 (giờ Thụy Sỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường ... |
| Việt Nam phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Biến đổi khí hậu ngày càng gây khó khăn cho việc sản xuất và tiếp cận lương thực, đặc biệt là ở những khu vực ... |
| Việt Nam cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy bảo đảm các quyền con người Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ... |