Theo tuyên bố chung đưa ra tại Havana (Cuba) ngày 24/8, Chính phủ Colombia và FARC đã kết thúc thành công quá trình đàm phán và đạt được một thỏa thuận "chắc chắn, đầy đủ và cuối cùng" về việc kết thúc xung đột và xây dựng một nền hòa bình ổn định, dài lâu tại đất nước này.
Phát biểu trước đó tại Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos và thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez đều hoan nghênh thành quả trên.
Đại diện đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle (phải) và đại diện FARC Marquez (trái) bắt tay sau lễ ký thỏa thuận với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. (Nguồn: AP) |
Xung đột vũ trang tại Colombia bắt đầu từ năm 1964 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích, khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Đây được xem là cuộc xung đột vũ trang dai dẳng nhất khu vực Nam Mỹ. |
Sau khi thỏa thuận trên được ký kết, các tay súng FARC sẽ bắt đầu rời khỏi căn cứ đóng quân tại vùng rừng núi Colombia và chuyển vào các trại giải trừ quân bị của Liên hợp quốc hiện đang giúp giám sát lệnh ngừng bắn tại quốc gia này.
Tuy nhiên, trước đó, thỏa thuận hòa bình cần được đa số người dân Colombia thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Hiện đối thủ hàng đầu của ông Santos - cựu Tổng thống Alvaro Uribe đang dẫn đầu chiến dịch nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý - cho rằng Tổng thống Santos đã nhượng bộ FARC quá nhiều.
Người dân Colombia xuống đường ăn mừng. (Nguồn: Reuters) |
Vậy là, sau gần 4 năm hòa đàm tại Cuba, chính phủ Colombia và phiến quân FARC đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng.
Sau thỏa thuận với FARC, chính phủ Colombia vẫn còn phải chiến đấu với một nhóm phiến quân nhỏ hơn là Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN). Nhóm này liên tục làm trật đường ray để phản đối những nỗ lực để mở các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ.