Một góc TP. Hồ Chí Minh. |
Tiên phong thúc đẩy tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh đang trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Các mục tiêu, nội dung và giải pháp tăng trưởng xanh đã từng bước được cụ thể hóa và thể hiện nhất quán trong trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
Phát triển tăng trưởng xanh cũng được cập nhật và đang triển khai trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 - 2030, với mục tiêu không ngừng mở rộng kinh tế xanh đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050.
Đặc biệt, với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tăng cường thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh… Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài và hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Ưu tiên phát triển kinh tế số
Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới; tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập niên tới.
Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0 để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến năm 2025, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc ba nước dẫn đầu ASEAN; xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của LHQ. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển, tạo bước đà cho các doanh nghiệp vươn mình ra thế giới, mở rộng quy mô kinh doanh tại nhiều quốc gia khác nhau.
Đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn
Mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường, hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Việt Nam đã ban hành Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, và trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
Cùng hướng tới mục tiêu cao nhất
Đa dạng hóa, tích hợp và phát huy sức mạnh, lợi ích của các mô hình kinh tế trên và nhiều mô hình khác chính là sự kết hợp hài hòa, hiện thực hóa và cụ thể hoá quá trình triển khai hiệu quả hơn công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn của Việt Nam. Tất cả mọi mô hình đó đều hội tụ vào mục tiêu cao nhất để đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”!
Để thành công, Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục chủ động nhận diện sâu sắc, thống nhất nhận thức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; lồng ghép phát triển các mô hình kinh tế vào các quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư phát triển các cấp.
Bên cạnh đó, cần không ngừng hoàn thiện và triển khai đồng bộ cả những giải pháp khung, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chung, cũng như những giải pháp đặc thù, phù hợp yêu cầu và mục tiêu phát triển của mỗi mô hình kinh tế mới.
Cần tập trung xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập.
| Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động, kịp thời ban ... |
| EuroCham: Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài Kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây cho thấy, trong quý I/2023, các ... |
| OECD: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, GDP năm 2023 ở mức 6,5% Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và ... |
| VCCI và niềm tin về đường hướng phát triển của các quốc gia trong khu vực trũng của kinh tế thế giới Với sự tham gia hội nhập hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà tổ chức đại diện là VCCI, thông qua các ... |
| Chuyên gia IMF: Dù tốc độ sẽ chậm lại nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức rất cao Ông Daniel Leigh, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Vụ nghiên cứu Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, Việt ... |