TS. BS Võ Văn Tân dẫn số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố, đồng thời cho biết, tỷ lệ người mắc đột quỵ sau 25 tuổi lên tới 25%. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai thế giới với 5,5 triệu người/năm và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ và gây ảnh hưởng đến 116 triệu người.
Tại Việt Nam, theo BS Tân, tỷ lệ mắc bệnh là 1.100-1.200/100.000 người, tỷ lệ tử vong vì đột quỵ là 210/100.000 người.
Có 77% bệnh nhân sau khi điều trị đột quỵ có khả năng quay lại cuộc sống bình thường, 21% bị tàn phế và 8,3% tử vong. Nếu so sánh với Thái Lan, tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cao gấp 1,5 lần, trong đó tử vong do nhồi máu não cao gấp 3 lần.
Bác sĩ Tân đánh giá công tác điều trị đột quỵ tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng sau 10 năm, đây vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Đột quỵ ngày càng là gánh nặng của y tế Việt Nam do 4 nguyên nhân chính.
“Thứ nhất, công tác dự phòng tiên phát và thứ phát chưa tối ưu. Thứ 2, điều trị đột quỵ cấp chuẩn chưa được áp dụng rộng rãi tại khắp các tuyến. Thứ 3, khả năng cập nhật kiến thức điều trị đột quỵ cấp còn hạn chế. Và cuối cùng, trình độ điều trị ở các tuyến chưa đồng đều, thiếu công tác chăm sóc sau đột quỵ”, bác sĩ Tân thông tin.