Theo bà Phạm Chi Lan, đây là thời điểm văn hóa kinh doanh là vấn đề quan trọng. Để lan tỏa, trước hết bắt đầu từ doanh nhân, từ đạo đức của người kinh doanh. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Thưa bà, rất lâu mới thấy bà có mặt trên bàn chủ tọa một sự kiện, lần này là Lễ công bố và phát động đạo đức doanh nhân của VCCI...
Tôi thực sự tâm đắc với sự kiện này. Một phần tôi thực sự muốn tham gia, vì đang thấy sốt ruột và lo lỡ thời cơ hội nhập sâu hơn, tham gia vào các đẳng cấp cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn thế, khi Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện thể chế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những yêu cầu, chuẩn mực cao nhất, thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thích ứng với môi trường cả trong nước và thế giới đang có nhiều thay đổi.
Đây là thời điểm văn hóa kinh doanh là vấn đề quan trọng. Để lan tỏa, trước hết bắt đầu từ doanh nhân, từ đạo đức của người kinh doanh.
VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức kinh doanh, bà có thể chia sẻ thế nào về các điều này?
Tôi tham gia hội đồng tư vấn của VCCI để xây dựng quy tắc này. Cũng có nhiều tranh luận căng thẳng, vì đạo đức là phạm trù rộng, không dễ cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí.
Chúng tôi đã thống nhất được 6 nguyên tắc, theo các yêu cầu là ngắn gọn, dễ nhớ, thể hiện rõ đặc thù của người kinh doanh, không nhắc lại những yêu cầu tất yếu của đạo đức mà ai cũng phải tuân theo.
Ví dụ như, nguyên tắc tạo giá trị kinh tế cho xã hội, ai cũng tạo ra giá trị cho xã hội, nhưng điểm khác biệt của doanh nhân là tạo giá trị kinh tế. Đây là yêu cầu cơ bản, hàng đầu đối với một doanh nhân, là lý do khởi sự và duy trì hoạt động kinh doanh.
Hay như có ý kiến nói đưa nguyên tắc không vụ lợi vào, nhưng kinh doanh là kiếm lời, là cạnh tranh, không thể không vụ lợi được, mà điều cần là, không làm hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ gây hại cho người tiêu dùng và xã hội; cạnh tranh lành mạnh, tránh tư tưởng triệt hạ lẫn nhau...
Tin liên quan |
VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam |
Nguyên tắc yêu nước cũng vậy, có ý kiến người Việt ai cũng yêu nước, nhưng chúng tôi suy nghĩ, doanh nhân yêu nước bằng những việc làm cụ thể. Đó là ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, ý thức nâng cao và bảo vệ lợi ích của đất nước trong kinh doanh; không gây hại đến lợi ích, hình ảnh quốc gia; có trách nhiệm với xã hội, phải biết gắn lợi ích kinh doanh của bản thân với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Nếu cứ nhập hàng để làm gia công, thay vì nghiên cứu phát triển các sản phẩm thay thế là không yêu nước rồi...
Tôi đặc biệt quan tâm đến 2 nhóm quy tắc là tuân thủ pháp luật và minh bạch, công bằng, liêm chính. Đây là những phẩm chất, yêu cầu mang tính phổ quát đối với doanh nhân, doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển. Để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và hướng đến mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, doanh nhân Việt Nam cũng cần có các phẩm chất này.
Khi thảo luận, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần ghi giữ chữ tín là đủ bao hàm các nguyên tắc trên. Nhưng giữ chữ tín là chủ động của người kinh doanh, nhưng để minh bạch được, để liêm chính, hay để tuân thủ pháp luật thực sự cần cả sự tham gia của các cơ quan nhà nước, thực thi pháp luật...
Thưa bà, khi trao đổi về đạo đức, văn hóa kinh doanh, khá nhiều doanh nhân ngần ngại chia sẻ, vì có thể họ chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện được đầy đủ?
Có lý do từ môi trường kinh doanh chưa minh bạch, các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa thực sự minh bạch, công bằng, liêm chính, nên doanh nghiệp chưa thể tuân thủ các nguyên tắc đạo đức kinh doanh.
Ví như câu chuyện thuế khoán của hộ kinh doanh có thực sự công bằng không khi còn có sự đàm phán giữa người thu thuế và nộp thuế? Hay khi quyền xác định chi phí hợp lý, không hợp lý khi tính thuế thuộc về cơ quan thuế, thì đã có thực sự công bằng, minh bạch? Hoặc như khi có doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường, việc xử lý không đến nơi đến chốn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc...
Để đạt được sự liêm chính trong quy tắc đạo đức của doanh nhân, đúng là cần sự liêm chính các bên, cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể thấy rất rõ điều này khi nhìn vào khảo sát về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chấp nhận có xu hướng giảm đi, cũng với những cải thiện của môi trường kinh doanh, nỗ lực công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách.
Trong Lễ công bố và phát động đạo đức doanh nhân do VCCI tổ chức hôm 19/5 vừa rồi, ông Đỗ Ngọc An, Phó Ban kinh tế Trung ương có nói rất đúng, đó là doanh nghiệp muốn thực hiện đúng quy định thì nhà nước cũng phải thực hiện đúng cam kết của mình.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật thì phải xử nghiêm, đúng quy định, nhưng nếu doanh nghiệp tận dụng khe hở của pháp luật để kiếm lời thì trách nhiệm thuộc về nhà nước, phải chấp nhận để bổ sung, hoàn thiện, chứ không thể bắt lỗi doanh nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu là các quy tắc đạo đức doanh nhân khi được phổ biến sẽ không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà thúc đẩy chuẩn mức đạo đức cho cả xã hội.
Nhưng khi môi trường kinh doanh chưa thực minh bạch thì nếu chọn đạo đức, doanh nghiệp có thể bị thua thiệt hơn?
Tôi muốn nhắc đến danh sách những doanh nghiệp không được tham gia các gói thầu của Ngân hàng Thế giới, hay những doanh nghiệp bị đối tác từ chối đơn hàng do không tuân thủ quy định với người lao động, quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Thừa nhận môi trường kinh doanh còn nhiều tồn tại, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp không thể chọn đạo đức. Thậm chí, việc chọn đạo đức kinh doanh sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội kinh doanh không phải chỉ ở trong nước mà còn có thể đi xa hơn, làm việc với các doanh nghiệp cùng chọn các chuẩn mực đạo đức, làm ăn với các đối tác toàn cầu.
Các doanh nhân đều thấy rất rõ là thế giới đang có những tiêu chuẩn, đòi hỏi mới, không chỉ chất lượng, uy tín trong kinh doanh mà còn cả yêu cầu trách nhiệm với người lao động, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng...
Nếu các doanh nhân muốn doanh nghiệp mình chơi với những doanh nghiệp đàng hoàng, nghiêm túc, uy tín thì họ sẽ chọn đạo đức kinh doanh, tôi tin vậy.
Thưa bà, có người nói rằng, các doanh nghiệp quy mô lớn đang thực hiện đạo đức kinh doanh hơn doanh nghiệp quy mô nhỏ?
Vấn đề là người đứng đầu chọn thế nào, chứ không phải là quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Nhưng đúng là việc không dễ, nhiều khi sẽ phải lựa chọn, nhưng phải bắt đầu để tạo nên những thay đổi.
Đây là lý do mà chúng tôi chọn đạo đức doanh nhân để bắt đầu cho hành trình xây dựng văn hóa kinh doanh của Việt Nam.
Khi tham gia tư vấn xây dựng các tiêu chuẩn, tôi đề nghị cần xác định những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể, không quá cao để doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng được. Những thay đổi cần từ các việc làm, suy nghĩ thiết thực, gần gũi nhất.
Trong quá trình này, các hiệp hội doanh nghiệp và báo chí đóng vai trò rất quan trọng.
| Việt Nam chủ động chuyển mình hội nhập Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 12 năm, Việt Nam đã có bước chuyển biến đáng kể từ chỗ hội nhập ... |
| Không có Mỹ, CPTPP vẫn hấp dẫn Trao đổi với Thế Giới & Việt Nam về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ... |