Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới, và từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980 thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp cho số rác ngày càng lớn được thải ra, và đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá tới 175 tỷ Euro trên toàn cầu…
Khi nước rút, rác nhựa bám trên cây tại một khu rừng ngập mặn ở Thanh Hóa của Việt Nam (Nguồn: AFP) |
Cho đến ngày 31/12/2017, Trung Quốc còn là “trung tâm” xử lý rác thải quốc tế nhưng vào năm 2018 thì tất cả đã thay đổi, Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý với lý do là phần lớn vật liệu này “bẩn” hay nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.
Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi mà những người trong ngành nghĩ là sẽ không thể được áp dụng nhanh trên thực tế. Trung Quốc và Hong Kong từ chỗ mua đến 60% lượng rác thải nhựa từ các nước G7 trong sáu tháng đầu năm 2017 nhưng một năm sau chỉ còn nhập có khoảng 10%. Financial Times đã lần theo dấu vết rác plastic và giấy cũ mà các nước G7 xuất khẩu và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.
Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hong Kong. Từ sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, nhưng ngoạn mục nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%.