Bất chấp rủi ro, giới trẻ Trung Quốc vẫn không ngừng đổ tiền vào thị trường tiền điện tử. (Nguồn: The Guardian) |
Cô Wendy Li (32 tuổi), người sản xuất nội dung trực tuyến ở Thâm Quyến và bạn trai, anh Henry Yi (29 tuổi) làm nghề nhiếp ảnh gia và biên tập video cho biết, họ cùng vài người bạn đang tham gia làn sóng đầu tư vào tiền điện tử với nhiều vui buồn đan xen.
Ôm mộng làm giàu
Thời gian qua, giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt là những người thế hệ Z (sinh từ năm 1990 đến năm 2010), thông qua lời khuyên từ bạn bè hoặc được thuyết phục bởi những người có ảnh hưởng trên mạng, đang quan tâm nhiều hơn đến tiền điện tử, ngay cả khi giá trị của các loại tiền này thường xuyên tăng giảm đột ngột, tạo ra nhiều biến động lớn.
“Không chỉ riêng chúng tôi, nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũng bắt đầu quan tâm và đầu tư vào tiền điện tử. Sức hấp dẫn mạnh mẽ đến nỗi ngay khi một người bạn của bạn tham gia đầu tư, những người xung quanh sẽ nhanh chóng bị thu hút và chơi theo".
Giống như quan niệm của nhiều người trẻ ở Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản, giới trẻ Trung Quốc cũng tin rằng, việc đầu cơ vào tiền điện tử sẽ là cơ hội tốt khiến họ tiến nhanh hơn đến tầng lớp trung lưu, thượng lưu.
Đặc biệt, những người đang sinh sống và làm việc ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc, hầu hết đều rất quan tâm đến các khái niệm toàn cầu hóa và tài sản ảo mới nổi. Giá trị thị trường tăng vọt kèm theo tác động từ các nhân vật đầu tư có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng đã trở thành động lực chính thúc đẩy tham vọng đổi đời của người trẻ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, do bị hạn chế về việc tiếp cận các thông tin liên quan đến kinh doanh hay đầu tư tài chính so với các nơi khác, các nhà đầu tư trẻ Trung Quốc thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn giới trẻ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát về xu hướng đầu tư tiền điện tử của giới trẻ Trung Quốc trên mạng xã hội Weibo vào đầu tháng 6, có đến 44,8% trong số 29.000 người được hỏi cho biết họ có tham gia đầu tư.
Chỉ riêng trên Weibo, từ khóa tìm kiếm “bitcoin” đã trả về hàng trăm nghìn bài đăng, cho lượt xem hơn 11,7 tỷ. Thêm vào đó là nhiều bài nội dung thông tin tương tự trên các phương tiện truyền thông xã hội khác của Trung Quốc.
Mặc dù vừa qua các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành một số chính sách hạn chế đầu tư tiền điện tử trong nước nhưng rất nhiều thanh niên nước này vẫn thường xuyên chia sẻ về các giao dịch tiền điện tử hằng ngày trên các trang mạng xã hội. Nhiều người không ngại khoe hồ sơ giao dịch và cho biết đã kiếm được số tiền giá trị gấp 75 lần số tiền họ đã bỏ ra.
Giáo sư Simon Zhao của trường BNU-HKBU United International College (UIC) cho biết: “Người trẻ Trung Quốc đã quá quen với việc sử dụng điện thoại di động để mua cổ phiếu và các loại chứng khoán khác, đăng ký các khoản vay trực tuyến...Vì vậy, họ sẽ rất dễ dàng khi mua bán và sử dụng tiền điện tử".
Một báo cáo của công ty tư vấn dữ liệu lớn MobTech cho thấy, hơn 80 triệu nhà đầu tư Trung Quốc đã sử dụng ứng dụng di động để tham gia đầu tư trong năm 2020. Dữ liệu cho thấy số lượng cá nhân mới thực hiện các giao dịch mua liên quan đến đầu tư thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động đã vượt quá 20 triệu người, trong đó 52,9% dưới 30 tuổi.
Ông Zhao cho biết thêm, giới trẻ Trung Quốc đang quan tâm đến đầu cơ hơn những người ở độ tuổi 40 và 50, vốn thường tập trung đến các khoản đầu tư dài hạn: "Thị trường đầu cơ rủi ro cao nhưng lại cho lợi nhuận tốt nên luôn được một lượng lớn người Trung Quốc ưa chuộng".
"Canh bạc" rủi ro
Wendy Li cho biết, thu nhập hàng tháng của cô là khoảng 10.000 Nhân dân tệ và cô sống trong một căn hộ ba phòng ngủ với ba người bạn, đều đang tham gia đầu cơ vào tiền điện tử.
“Vào tháng 4, tôi gặp một cô gái trạc tuổi tôi ở Thâm Quyến. Cô ấy làm việc cho một công ty khởi nghiệp fintech và đã kiếm được hàng triệu USD bằng cách đầu cơ vào tiền điện tử trong năm ngoái. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi khái niệm phân quyền (đầu cơ vào nhiều loại tiền) mà cô ấy đã đề cập - nghĩa là, những người trẻ chúng ta có thể phá vỡ sự ràng buộc và quyền lực kinh tế vốn chỉ nằm trong tay số ít, chẳng hạn như Phố Wall và chính phủ”, cô Li hào hứng chia sẻ.
Các loại tiền điện tử như uni, dot, ethereum và litecoin vẫn đang có sức hút vô cùng lớn với giới trẻ. (Nguồn: Yahoo Finance) |
Vừa qua, Li và bạn mình đã cùng đầu tư 80.000 Nhân dân tệ (khoảng 45 triệu đồng) thông qua ZB.com, một trong số ít sàn giao dịch tiền điện tử có sẵn ở Trung Quốc mà không sử dụng mạng riêng ảo (VPN). Họ đã mua Tether (USDT) với mức giá từ 6,47 đến 6,81 Nhân dân tệ (khoảng 23.300 đến 24.500 đồng) từ những người mua khác thông qua ứng dụng, sau đó mua các loại tiền điện tử như uni, dot, ethereum và litecoin. Sau vài tuần, khối tài sản đó tăng lên 100.000 Nhân dân tệ. Tuy nhiên, sang tháng 5 khi thị trường giảm mạnh, họ vẫn tiếp tục đầu tư thêm 30.000 Nhân dân tệ.
Dù tham gia đầu tư nhưng Wendy Li chia sẻ, cô đang dần cảm thấy rủi ro ngày càng lớn hơn. "Các chính phủ đang siết dần chính sách quản lý kinh doanh và khai thác tiền điện tử”, cô Li lo lắng.
Nhưng người bạn của cô là anh Yi vẫn muốn tiếp tục đầu tư nhiều hơn sau khi tiền ảo giá giảm, vì tin rằng thị trường sẽ tăng vọt trở lại giống như trước đây.
“Tiền điện tử là cơ hội duy nhất mà những người thuộc tầng lớp lao động trẻ tuổi như chúng tôi có được để làm giàu nhanh chóng, mặc dù rủi ro cũng rất cao. Nếu chúng tôi không nắm bắt nó thì chúng tôi sẽ không bao giờ có tiền để mua được một căn hộ ở Thâm Quyến”, anh Yi nói.
Vì lý do này, tình trạng người trẻ ở các thành phố Trung Quốc vay tiền để đầu tư vào tiền điện tử cũng khá phổ biến.
Ông Guo Zhongxiao, một chuyên gia kỹ thuật số ở Thâm Quyến cho hay, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi của Trung Quốc không hiểu rõ về các chỉ số chuyên môn cũng như cơ chế hoạt động đằng sau thị trường tiền điện tử. Phản ứng của họ đối với sự thay đổi của thị trường cũng bị trì hoãn do các hạn chế của Bắc Kinh đối với thông tin trên mạng Internet và các khoản đầu tư ra nước ngoài.
“Hầu hết những người trẻ ở Trung Quốc không chú ý nhiều đến mối tương quan giữa tiền điện tử và giá vàng, USD, kỳ vọng lạm phát toàn cầu...Một số ít người là những người hâm mộ những dự báo công nghệ và chủ nghĩa tương lai nhưng lại phát điên vì giá bitcoin và dogecoin tăng vọt gần đây. Họ sẽ không giữ chúng như những khoản đầu tư dài hạn”.
Ông Frank Cui, Trưởng nhóm nghiên cứu của dataqin.com có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng đầu cơ vào tiền điện tử rủi ro hơn nhiều ở Trung Quốc vì giao dịch bị coi là bất hợp pháp và các nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin khi tìm hiểu về thị trường và đánh giá rủi ro tư vấn dữ liệu lớn.
“Ở Trung Quốc, tiền điện tử giống như đánh bạc 24 giờ không có giới hạn dao động giá và cũng không có biện pháp bảo vệ pháp lý”, ông Cui nói.