Muốn lấy lại niềm tin của công chúng, ngành giáo dục phải giải quyết được triệt để căn bệnh trầm kha mang tên thành tích... (Nguồn: TT) |
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đã làm rất tốt 2 việc: Phổ cập mầm non và tự chủ đại học. Xếp hạng phổ thông của chúng ta đứng vị trí cao trên thế giới, số lượng bài báo quốc tế năm vừa rồi đã tăng…
Đấy là những dấu mốc đáng mừng, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, giáo dục nước nhà những năm gần đây vẫn tồn tại khá nhiều vấn đề. Đó là câu chuyện gian lận điểm số thi cử ở một số địa phương, là thực trạng bạo hành học đường, là vấn đề nặng dạy chữ, nhẹ dạy người... Người ta vẫn chờ mong có triết lý giáo dục, có "cuộc cách mạng" để học sinh thực sự là trung tâm của giáo dục.
Đặc biệt, việc chú trọng giáo dục đạo đức trong học sinh, sinh viên phải được đề cao hơn cả để sản phẩm giáo dục trong tương lai là "sản phẩm sạch" với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, nhìn lại, giáo dục nước ta vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết.
Năm học mới này, với kết quả thực tế, chúng ta thấy bộc lộ những điều bất ổn của câu chuyện cũ nhưng vẫn đầy tính thời sự. Và hệ lụy của nó sau một năm xảy ra tiêu cực đã cho thấy điều này không thể xem nhẹ. Sản phẩm giáo dục là những bác sĩ, công an, giáo viên trong tương lai nhưng không ít trường lại có điểm chuẩn đầu vào tương đối thấp. Họ là những thế hệ trẻ của đất nước nhưng rồi đây sẽ ra sao khi đó là những "sản phẩm lỗi"?
Tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 bộc lộ nhiều lỗ hổng ở một số địa phương đã bị phát giác ra như chúng ta đã biết. Việc một số ngành đào tạo bỗng nhiên lao dốc về điểm chuẩn quả thật là một mối lo lớn cho xã hội. Chất lượng đầu vào "có vấn đề", thử hỏi chất lượng đầu ra sẽ thế nào? Thực tế, sẽ rất khó lấy lại được niềm tin của công chúng nếu những lùm xùm, tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh không được giải quyết triệt để, minh bạch.
Nếu công tác đào tạo với đầu vào bị buông lỏng để người xấu lợi dụng thì “sản phẩm” của nó sẽ ra sao? Tôi nghĩ, nó sẽ rất tai hại cho xã hội khi họ nắm quyền lực sau này ra trường. Đặc biệt, lâu nay chúng ta vẫn "ra rả" nhiều câu chuyện dạy kiến thức nhưng chưa chú trọng nhiều việc dạy đạo đức, lối sống, nhân cách cho các bạn trẻ. Lỗ hổng này chắc chắn sẽ tạo ra những lỗ hổng lớn hơn, tiêu cực này sẽ nảy sinh ra những tiêu cực lớn hơn. Khi đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên phải được đặt lên hàng đầu. (Nguồn: Thanh niên) |
Rất may, trong thời gian vừa qua, ngành giáo dục đã có những nỗ lực để chống gian lận thi cử. Ngành đã thay đổi theo hướng tích cực và cần duy trì, nỗ lực hơn nữa để có được niềm tin của người dân.
Trong một Hội nghị giáo dục gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò to lớn của ngành giáo dục trong sự phát triển của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia. Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục đào tạo.
Trong các yêu cầu đề ra cho ngành giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên. “Việc giáo dục đạo đức lối sống là nhiệm vụ quan trọng, ngành giáo dục phải tạo ra sự đổi mới căn bản ngay trong năm học này”, Thủ tướng yêu cầu.
Ngày khai giảng (5/9) vừa qua, người ta cảm thấy ấm lòng với hình ảnh đẹp tại Lễ khai giảng chỉ với 34 học sinh và 2 cô giáo ở Quảng Nam. Nghĩa là, ở đâu đó vẫn có những câu chuyện giáo dục đẹp, cần lan tỏa.
Năm học mới đã bắt đầu, chúng ta hy vọng những điều tiêu cực trong thi cử vừa bị đưa ra ánh sáng sẽ là bài học tốt, quý báu. Những tiêu cực trong thi cử sẽ phải trả giá đắt và được ngăn chặn, đem lại quyền bình đẳng cho mọi học sinh có khát vọng đến trường để học và trở thành người trung thực, hữu ích cho xã hội.
Mong lắm một năm học mới "lành lặn" và trung thực hơn. Tất nhiên, ngành giáo dục muốn lấy lại được niềm tin của công chúng trước tiên phải giải quyết được triệt để căn bệnh trầm kha mang tên thành tích.