Một Bộ tứ mới đang được hình thành bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan? (Nguồn: MENAFN.com) |
Các liên minh chính trị xuất hiện từ thời cổ đại phương Đông và phương Tây. Vì những lợi ích và an ninh cốt lõi, các nhà lãnh đạo muốn tìm kiếm các đối tác để chống lại mối đe dọa mà họ phải đối mặt và gặt hái những lợi ích mà họ có thể có được từ liên minh.
Mỹ đã duy trì ưu thế về quân sự và tạo ra một hệ thống liên minh lớn nhất trên thế giới. Giờ đây, khi chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược trong thế kỷ XXI, Washington đã nỗ lực hết sức để tạo ra một Bộ tứ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với mục đích đó, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm này hôm 12/3 đã thảo luận các vấn đề trên tất cả lĩnh vực - từ việc phân phối vaccine đến chống biến đổi khí hậu, cũng như việc coi nỗ lực hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội của Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược ở châu Á và Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nói rõ rằng họ sẽ thành lập một liên minh “4 bên” cùng với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để đảm bảo sự cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lợi cho Mỹ.
Điều này dẫn tới câu hỏi Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào với sự kiềm tỏa dẫn đầu bởi nước Mỹ?
Trung Quốc đã duy trì quan hệ đối tác chiến lược cấp cao với Nga, Pakistan và nay là Iran. Tuy nhiên, các bên hướng tới sự đồng thuận chiến lược, kết nối kinh tế, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng trước thách thức của bất kỳ bá quyền đơn phương nào.
Do đó, phiên bản Bộ tứ của Trung Quốc được đánh giá là linh hoạt và thực dụng hơn trong việc quy tụ các quốc gia có nền tảng văn hóa, tôn giáo và ý thức hệ khác nhau.
Tin liên quan |
Nga-Trung: Quan hệ 'nở hoa' và những toan tính chiến lược của Moscow |
"Liên minh các bên bị hại"
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Biden thúc đẩy sự phát triển của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm Trung Quốc ngày 22/3 theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất khu vực Á-Âu đang ở mức cao, và chương trình nghị sự hai bên đã đi vào chiều sâu trên hầu hết các khía cạnh của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - từ ngoại giao, quốc phòng đến kinh tế và công nghệ.
Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Nga hướng tới thiết lập một trật tự đa cực khiến Mỹ mất vai trò bá chủ toàn cầu. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU, Nga với phương Tây đang xấu đi, cuộc gặp cấp cao Nga-Trung có ý nghĩa chiến lược trong việc tham vấn thường xuyên về các vấn đề mới nhất.
Mặc dù không sẵn sàng xây dựng một liên minh quân sự theo cách truyền thống, nhưng Trung Quốc và Nga có lòng tin lẫn nhau trong nỗ lực đối phó với bất kỳ thách thức nào của thế giới.
Thông báo mới nhất cho biết Moscow và Bắc Kinh sẽ cùng xây dựng một trạm vũ trụ trên mặt trăng (ILRS).
Đây là một bước tiến lớn khác trong việc thành lập cái được gọi là "liên minh Trung-Nga". Liên minh ấy cho thấy rõ ràng sự hợp tác đã trở nên hiệu quả hơn về mặt hoạt động so với mối quan hệ đối tác dân chủ vẫn thường được ca ngợi giữa Mỹ và Ấn Độ.
Trong những năm 1990, Giáo sư Joseph Nye đã cảnh báo viễn cảnh về “liên minh các bên bị hại” xuất phát từ niềm đam mê mãnh liệt của người Nga và Trung Quốc đối với vinh quang quốc gia.
Chính cách cư xử của Mỹ đã khiến Trung Quốc và Nga vượt qua được những xung đột lợi ích quốc gia vốn có thể đẩy họ thành đối thủ của nhau trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
Như Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nói trước chuyến thăm của mình, “mô hình tương tác giữa Nga và Trung Quốc không có bất kỳ ràng buộc nào về ý thức hệ. Nó có bản chất tự nhiên, không chịu bất kỳ yếu tố cơ hội nào cũng như chống lại bất kỳ nước thứ ba nào”.
| Trung Quốc-Pakistan không chịu 'kém miếng' Bộ tứ, kéo đến gần biên giới Ấn Độ phô diễn sức mạnh |
"Anh em son sắt"
Nếu quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga được coi là “liên minh chiến lược”, thì tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Pakistan được gọi là “batie”, nghĩa là “anh em son sắt”.
Thực tế là mối quan hệ bình thường của Trung Quốc với Pakistan bắt đầu từ năm 1951 và từ năm 1962, quan hệ song phương đã được chuyển đổi thành một liên minh trên thực tế bất chấp sự khác biệt về tôn giáo và hệ tư tưởng.
Hợp tác đã bao trùm gần như tất cả các khía cạnh từ chính trị đến kinh tế và từ quân sự đến đối ngoại trong những thập kỷ qua. Về mặt ngoại giao, Pakistan đã cam kết tuân thủ chính sách một Trung Quốc trong khi Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để ủng hộ chủ quyền, an ninh và sự ổn định của nước này.
Về mặt địa chính trị, hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong các dự án như máy bay JF-17, nhà máy điện hạt nhân dân sự và giải pháp hòa bình ở Afghanistan, kể từ khi NATO do Mỹ dẫn đầu hiện diện ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá này và trở thành mối đe dọa đối với lợi ích chung của hai nước cũng như sự ổn định ở Nam Á.
Theo đó, Pakistan được coi là một trong những đối tác chiến lược quan trọng trong các liên kết toàn cầu của Bắc Kinh, cùng với Nga và Triều Tiên.
Ngoài ra, trong chương trình nghị sự về an ninh và phát triển của Trung Quốc, chẳng hạn như sáng kiến BRI, Pakistan chắc chắn là đối tác quan trọng dựa trên tình hữu nghị kéo dài nhiều thập kỷ và vị trí ở Nam Á gần eo biển Hormuz nối với khu vực Trung Đông. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào khu vực vì phải phụ thuộc vào dầu mỏ, khí tự nhiên và nhiều năng lượng khác.
Với mục tiêu đó, dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối chiến lược giữa hai bên thành một sự hội tụ chiến lược cấp cao mới. Trong một thuật ngữ rộng hơn, liên minh hình thành khi các nước có lợi ích chung và có sự đồng thuận mạnh mẽ để theo đuổi chúng.
Đến nay, Trung Quốc, Nga và Pakistan đã chia sẻ những lợi ích tương xứng trong một giải pháp mang tính xây dựng và bao trùm nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Afghanistan thông qua các thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh với sự tham gia của Taliban.
| Trung Quốc-Iran ‘xích lại gần nhau’, hàn thử biểu quan trọng trong đọ sức Mỹ-Trung? |
Iran-mảnh ghép cuối của Bộ tứ mới?
Liệu Trung Quốc cùng với Nga và Pakistan có tiến tới xây dựng một khối Á-Âu bao gồm cả Iran hay không?
Vào ngày 27/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chính thức đến thăm Iran, tuy nhiên những gì Trung Quốc tìm kiếm ở Trung Đông không phải là một liên minh truyền thống giống như kiểu NATO hay Bộ tứ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đã thúc đẩy.
Thay vào đó, như Bắc Kinh nhiều lần nói, Trung Quốc đã hành động để thuyết phục các quốc gia liên quan chống lại áp lực và can thiệp từ bên ngoài, độc lập bảo đảm lợi ích của mình dựa trên hòa bình và ổn định của khu vực.
Trong chuyến thăm của ông Vương Nghị, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran nhằm khai thác tiềm năng tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa trong thời gian dài. Thỏa thuận kéo dài 25 năm này được cho là sẽ có thể thay đổi bối cảnh địa chính trị ở Tây Á vốn lâu nay phụ thuộc vào Mỹ.
Hơn nữa, Iran đã xây dựng một liên minh trên thực tế với Nga và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này về cơ bản là một chương trình nghị sự phát triển kinh tế quy mô lớn đối với Iran khi bị Washington giáng đòn trừng phạt.
Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc và Iran cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính, trong đó có sự phản đối chung đối với bất kỳ bá quyền nào chi phối các vấn đề quốc tế.
Trên thực tế, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ trước tiên nên có giải pháp để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại Iran và quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
| Quan hệ Mỹ-Ấn: Tưởng vậy, không phải vậy! |
Vector địa chính trị mới
Một số người đã lập luận rằng sự tương tác của Trung Quốc, Nga, Pakistan và Iran có thể vẽ ra các “vector địa chính trị mới” ở khắp nơi, là điều Mỹ và đồng minh phải tính đến. Sự thực nếu không có sự tham gia chính trị của Pakistan, Trung Quốc và Nga, thì việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Afghanistan một cách hòa bình là điều không tưởng.
Thứ nhất, Trung Quốc vẫn tuân theo nguyên tắc đối ngoại từ lâu là không liên minh. Thứ hai, mặc dù có tiềm lực mạnh hơn về kinh tế, nhưng Trung Quốc là cường quốc từ bên ngoài với hiểu biết về khu vực còn hạn chế.
Xét đến viễn cảnh rằng một thỏa thuận ở mức độ cao với Iran có thể gặp phải một số phản ứng dữ dội từ các quốc gia vùng Vịnh vốn coi Iran là đối thủ, một kế hoạch liên quan đến hợp tác kinh tế sẽ thực tế và cần thiết hơn với Trung Quốc.
Về mặt chính trị, thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Iran là khôn ngoan và thực tế sáng kiến 5 điểm hướng tới mục tiêu an ninh và ổn định ở Trung Đông, như tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và công bằng, không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh tập thể và phúc lợi chung.
Tóm lại, để phát triển Bộ tứ mới của Trung Quốc đòi hỏi sự tập trung và quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, điều tốt nhất mà Bắc Kinh cần làm là đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng lâu dài trong toàn bộ khu vực.
* Giáo sư về quan hệ quốc tế và ngoại giao, Trường các vấn đề công và quốc tế, Đại học Jilin Trung Quốc.