📞

Một châu Âu kết nối

08:44 | 14/09/2018
​Đây là điều mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker muốn gửi gắm tới người dân của Liên minh châu Âu (EU) qua bản Thông điệp Liên minh thường niên cuối cùng trong nhiệm kỳ.

Mở đầu bài phát biểu sáng ngày 12/9 tại Strasbourg (Thụy Sỹ), ông đã nêu bật thành tựu của EU thời gian qua. Nền kinh tế của khối đã tăng trưởng liên tiếp 21 quý, 12 triệu việc làm mới được kiến tạo kể từ năm 2014, với 239 triệu người đang làm việc trong khối. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 14,8%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2000. Hy Lạp, sau thời gian vật lộn với khủng hoảng tài chính, đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình. EU đã thiết lập Hiệp định Thương mại với 70 quốc gia, chiếm tới 40% GDP của toàn thế giới. Châu Âu luôn đi đầu trong nỗ lực xây dựng một thế giới tiến bộ hơn, từ tiên phong trong chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu tới ủng hộ tự do thương mại toàn cầu. Ông Jean-Claude Juncker khẳng định: “Khi đoàn kết, châu Âu là thế lực đáng gờm.”

Song, ở thời điểm hiện tại, EU đang phải đối mặt với tình trạng “chia năm sẻ bảy”, một trong số đó đến từ Brexit và quá trình thương thảo giữa khối này và Anh. Trong bài phát biểu của mình, ông Jean-Claude cho biết Brussels sẽ không để London tận hưởng lợi ích của thị trường chung và EU sẽ không chịu trách nhiệm việc đàm phán thất bại.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đọc Thông điệp Liên minh thường niên trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Thụy Sỹ) ngày 12/9. (Nguồn: EC)

Thêm vào đó, ông cũng khẳng định Anh sẽ không thể tận hưởng lợi ích từ chương trình vệ tinh Galileo chung cho toàn khối. Tuyên bố cứng rắn của Chủ tịch EC sẽ làm London “nóng mặt”, nhất là khi Anh đã nộp tới 1,3 tỷ USD và tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện chương trình. Động thái này cũng ít nhiều phủ bóng đen lên khả năng thương thuyết giữa hai bên về cùng nhau sử dụng hệ thống được kỳ vọng sẽ “sánh vai” với mạng lưới vệ tinh Mỹ một khi được triển khai vào năm 2020.

Khủng hoảng di cư cũng là vấn đề trọng tâm được ông Claude nhắc tới trong bài phát biểu của mình. Chủ tịch EC đã đề xuất ba ý tưởng giải quyết thực trạng này. Đầu tiên, từ nay đến hết 2018, Cơ quan Biên phòng và Bờ biển châu Âu (EBCG) sẽ tuyển dụng 10.000 nhân viên để giải quyết các vấn đề liên quan tới người nhập cư, đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia ngoài EU. Thứ hai, Cơ quan Tị nạn sẽ được cung cấp thêm 372 triệu USD trong giai đoạn 2019-2020 và 1,45 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2027. Cuối cùng, quá trình định cư cho người tị nạn cũng sẽ được cải tổ, với việc hoạch định lại 50.000 người và thiết lập cơ chế thẻ Xanh (Blue Card) nhằm thu hút các lao động có tay nghề cao.

Nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định rằng đã đến lúc đồng Euro cần có những bước tiến mạnh mẽ, nhằm thay thế đồng USD trong các giao dịch thương mại toàn cầu. “Bước lùi” của Washington trên chính trường thế giới là thách thức, song cũng là cơ hội để Brussels đóng một vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, để tận dụng khoảnh khắc này, EU cần có sự chuẩn bị kỹ càng, trong một thế giới nơi Mỹ trở thành “đối thủ”, với chính sách bảo hộ thương mại và đường lối đối ngoại khó lường. Một trong những bước đầu tiên có thể là thông qua việc áp dụng bỏ phiếu đa số, từ bỏ quyền phủ quyết trong một số lĩnh vực đối ngoại, cho phép Brussels hành động quyết đoán hơn.

Cuối cùng, để đảm bảo một EU kết nối, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định châu Âu cần cảnh giác trước làn sóng dân túy dâng cao, đe dọa chia rẽ đoàn kết nội khối. Việc ngày càng nhiều lãnh đạo phe dân túy nắm quyền, trong khi bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5/2019, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình cải tổ châu Âu và duy trì tính thống nhất khối của ông Juncker. Chỉ còn một năm trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 10/2019 và Chủ tịch EC đang nỗ lực hết mình để hoàn thành “giấc mơ châu Âu” vĩ đại của mình.