Đại học quốc gia Hà Nội trao kỷ niệm chương tặng Đại sứ Nga Konstantin Vnukov (thứ ba từ trái). (Nguồn: ĐSQ) |
Năm 2019, tình hình trên thế giới vẫn phức tạp và hỗn loạn. Đó là việc gia tăng tiềm năng xung đột trong các mối quan hệ quốc tế, tiếp tục diễn ra sự sụp đổ của những quy chế then chốt trong việc giám sát vũ khí, việc giảm tính hiệu quả của các định chế hiện có trong việc quản lý toàn cầu. Những biện pháp trừng phạt được áp dụng né tránh luật pháp quốc tế và các cuộc xung đột thương mại đã làm gia tăng những xu hướng tiêu cực trong nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại của Nga đã đảm bảo một cách thành công việc giải quyết những nhiệm vụ chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hài hòa của đất nước. Nga đã tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài trên cơ sở cùng có lợi, tích cực thúc đẩy việc giải quyết các động thái xung đột và khủng hoảng. Đồng thời, Nga quan tâm đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Nga, dạy và học tiếng Nga đến bè bạn thế giới và tạo thuận lợi trong việc cấp quốc tịch cho các kiều dân Nga ở nước ngoài.
Nga tham gia các tổ chức đa phương lớn nhằm hoàn thiện các công cụ quản lý toàn cầu và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ðặc biệt, Nga coi Liên hợp quốc là tổ chức then chốt trong việc giải quyết những bất đồng, điều phối hoạt động của các nước trên nguyên tắc đối thoại bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi đã tích cực thúc đẩy tại các diễn đàn quốc tế các quan điểm dựa cơ sở trên những nguyên tắc này nhằm đảm bảo một nền an ninh thông tin quốc tế. Chúng tôi ủng hộ một cách nhất quán việc gia tăng tính hiệu quả trong hợp tác quốc tế chống khủng bố với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, không có sự chính trị hóa và “các tiêu chuẩn kép”; bảo vệ những nguyên tắc đa phương khi giải quyết các nhiệm vụ toàn cầu trong khuôn khổ G20, BRICS và SCO.
Tôi muốn nêu lên những thành tựu trong hướng đi tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Lực lượng quân sự và các nhà ngoại giao Nga đã đẩy lùi được chủ nghĩa khủng bố và khởi động tiến trình khôi phục hòa bình cho đất nước.
Cách đây không lâu, vào tháng 10/2019, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ nhất diễn ra tại Sochi với quy mô lớn chưa từng có - gần 10.000 người tham gia. Toàn bộ 54 nước của châu lục này đã cử đại diện tham dự, trong đó có 43 nhà lãnh đạo cấp cao nhất, cùng với 8 tổ chức khu vực của châu Phi.
Trong những năm tới, hướng đi ưu tiên của Nga vẫn là châu Á - Thái Bình Dương - khu vực đang chứng kiến sự gia tăng cạnh tranh địa-chính trị. Để chống lại những thách thức đang phát sinh, chúng tôi tiếp tục củng cố hệ thống đã hình thành trong khu vực về phối hợp hành động liên quốc gia dựa trên nền tảng những nguyên tắc đa phương, định hướng các đối tác về sự cần thiết phải thiết lập tại châu Á - Thái Bình Dương một cấu trúc toàn diện và cởi mở của một nền an ninh bình đẳng và không chia cắt, đáp ứng được thực tiễn hiện nay.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự liên kết và sự gắn bó lẫn nhau, chúng tôi đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm thực hiện sáng kiến của Tổng thống V.V.Putin về việc thành lập Đại quan hệ đối tác Á-Âu. Quan hệ đối tác này được kỳ vọng làm hài hòa sự phối hợp hành động giữa các cơ cấu đa phương đang hình thành tại khu vực và thống nhất tiềm năng của các nước EAEU, SCO, ASEAN và các quốc gia hữu quan khác.
Theo đó, trong năm 2019, Nga đã thành công trong việc gia tăng đậm nét quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, trong đó có vai trò hỗ trợ tích cực của Việt Nam. Kết quả tích cực về mối quan hệ hợp tác Nga - ASEAN đã được thể hiện qua các sự kiện như Ðối thoại Doanh nghiệp EAEU-ASEAN (tháng 6/2019), Diễn đàn Kinh tế Phương Ðông tại Vladivistok (tháng 9/2019), Diễn đàn Giáo dục cấp cao Nga-ASEAN lần thứ nhất (tháng 10/2019)…
Ngoài ra, hoạt động đối thoại của Nga tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã trở nên hiệu quả hơn. Nga cùng Indonesia đã điều phối thành công sự hợp tác về chống khủng bố và bảo vệ luật pháp trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN.
Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, quan hệ Nga - Việt Nam sẽ thành công, tiến đến những chân trời mới trong quan hệ hai nước. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, Nga tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách này, đóng góp vào việc tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam.