Trà sữa là thức uống không thể thiếu và đặc trưng của người dân Ấn Độ. (Ảnh: Vân Chi) |
Khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau năm tiếng trên chuyến bay thẳng của Hãng hàng không Vietjet Air, đoàn công tác của chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Indira Gandhi tại thủ đô New Delhi vào lúc 22h30, giữa tiếng nhạc sôi động của ca khúc Made in India nổi tiếng.
Ấn tượng Ấn Độ
Bước vào sân bay, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng vô cùng đông đúc du khách từ khắp nơi trên thế giới. Dù mới bắt đầu mở cửa cho khách du lịch từ đầu năm 2022 nhưng Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều du khách sau đại dịch Covid-19.
Lên xe về khách sạn, đoàn chúng tôi được chào đón bằng những nụ cười thân thiện và dễ mến. Anh lái xe đeo cho mỗi người trong đoàn một vòng hoa vàng thơm ngát kèm theo câu chào truyền thống của người Ấn Độ “Namaste”. Ấn tượng đầu tiên của tôi là những chiếc taxi do Ấn Độ sản xuất. Phần lớn đều khá cũ nhưng tài xế đều tuyệt vời. Họ ít nói nhưng vô cùng cần mẫn, chu đáo.
Một điều lạ thường ở đất nước này là tất cả những người tôi từng gặp đều không uống rượu và hút thuốc, ngoại trừ khách du lịch. Quạ cũng là “đặc sản” của Ấn Độ khi có mặt ở khắp mọi nơi, từ khu vực quảng trường, trên các cành cây cho đến các khu dân cư đông đúc. Điều lạ thường tiếp theo, cũng là điều hơi bất tiện với chúng tôi, là đa phần người dân đất nước này không ăn thịt bò nên du khách sẽ khó mà tìm được thịt bò, trừ sữa bò và bơ làm từ bò. Người Ấn Độ cũng rất ít khi ăn thịt và nếu có thì chủ yếu là thịt gà và thịt cừu.
Thói quen ăn bằng tay của người Ấn Độ xuất phát từ quan niệm tôn trọng các sản vật thiêng liêng của lúa gạo. Bánh mì truyền thống của Ấn Độ - bánh naan được làm từ bột mì, nước, sữa chua, men nở được nướng trực tiếp trên những tấm vỉ sắt nóng, thường được ăn kèm với súp sền sệt pha nhiều hương liệu, chủ yếu là vị cà ri. Tương tự như Hàn Quốc có kim chi, Nhật Bản có sushi hay Việt Nam có phở thì cà ri chính là biểu tượng của ẩm thực Ấn Độ. Cà ri hiện diện trên bàn ăn của tất cả các gia đình Ấn Độ, từ nông thôn đến thành thị, từ tầng lớp nhà nghèo cho đến người giàu có. Có rất nhiều loại cà ri khác nhau, từ cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà cho tới cà ri rau củ, cà ri bắp cải khô…
Trà sữa là thức uống không thể thiếu và đặc trưng của người dân Ấn Độ. Trên đường đi công tác, đoàn chúng tôi, ai cũng thích thú khi được nhấp những ngụm trà sữa nóng bốc khói được đựng trong chiếc cốc bằng đất nung dùng một lần. Khi trời lạnh, xuýt xoa uống trà sữa, quàng vào cổ những chiếc khăn to xù có khi quấn được cả nửa người là nét đặc trưng ẩm thực và ăn mặc của người Ấn Độ bình dân. So với nhiều quốc gia châu Á khác, các công sở, cửa hàng bắt đầu mở cửa làm việc khá muộn, từ 10h sáng, do người dân dành toàn bộ thời gian yên tĩnh nhất của buổi sáng cho công việc tâm linh như cầu nguyện.
Một góc ngôi đền nổi tiếng của Ấn Độ Taj Mahal. (Ảnh: Vân Chi) |
Kỳ vĩ Taj Mahal
Dù lịch trình làm việc khá bận rộn nhưng đoàn chúng tôi vẫn quyết định dành riêng một ngày để khám phá ngôi đền nổi tiếng của Ấn Độ Taj Mahal nằm ở thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi khoảng 230 km. Không chỉ được biết đến là một biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa Hoàng đế Shah Jahan và Hoàng hậu Mumtaz Mahal, cung điện Taj Mahal còn được mệnh danh là “Viên ngọc châu của những đền đài Ấn Độ” hay “Giấc mơ tiên hiện thành đá trắng”. Được xây dựng vào thế kỷ XVII, Taj Mahal chính thức được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 1983 và mô tả là “một kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.
Tờ mờ sáng, xuất phát từ khách sạn, sau bốn giờ đồng hồ ngồi xe ô tô, chúng tôi đã đến với Taj Mahal vào lúc 10h30 sáng. Thật may mắn, dù ban đầu trời lất phất mưa nhưng khi đến nơi, Taj Mahal đón đoàn chúng tôi với thời tiết đẹp, nắng trưa vàng ruộm xen giữa cái lạnh se se. Sau khi mua vé, thay vì sử dụng dịch vụ xe điện để di chuyển, đoàn chúng tôi lựa chọn đi bộ từ cổng phụ phía Tây vào cổng chính cho giãn gân cốt sau nhiều giờ ngồi xe.
Bước qua cổng chính vào bên trong, chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục và choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ của ngôi đền và cảm phục trước sáng tạo của con người. Một khối trắng bằng cẩm thạch như một viên ngọc lung linh nổi bật giữa nền trời xanh ngắt. Anh Patti, hướng dẫn viên của đoàn cho biết, đền Taj Mahal là hình mẫu tuyệt vời của kiến trúc Moghol – kiến trúc tổng hợp các phong cách Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hồi giáo. Với cấu trúc hoàn toàn làm bằng đá cẩm thạch trắng, ngôi đền phát sáng rực rỡ nhất vào các đêm trăng tròn. Các nhiếp ảnh gia thường săn ảnh Taj Mahal chìm trong sương lúc hoàng hôn hoặc bình minh.
Theo lời Patti, Taj Mahal cũng là công trình vô cùng tốn kém với chi phí xây dựng “siêu khổng lồ”. Bắt đầu xây dựng từ năm 1632 sau cái chết của Hoàng hậu Mumtaz Mahal, Hoàng đế Shah Jahan đã phải tiêu tốn gần 53 tỷ Rupee (khoảng 877 triệu USD) để hoàn thành Taj Mahal. Công trình sử dụng rất nhiều nguyên liệu quý hiếm như đá cẩm thạch Makrana của bang Rajasthan, đá lapis (đá xanh) từ Trung Á, cần đến 1.000 con voi để vận chuyển nguyên liệu và ước tính có khoảng 20.000 người lao động và thợ thủ công làm việc ngày đêm trong 16 năm để hoàn thành lăng mộ chính và 31 năm để hoàn thành toàn bộ quần thể. Ngày nay, nó trở thành điểm đến của bất cứ người dân Ấn Độ nào cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới muốn được khám phá nền văn minh sông Hằng vĩ đại.
Quần thể kiến trúc đền Taj Mahal có năm hạng mục là cổng chính, vườn cây, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ và lăng mộ chính. Riêng khu lăng mộ chính được xây trên một khu đất rộng 304m và dài 580m. Giữa khu đất là một lâu đài (lăng mộ của Hoàng đế Shah Jahan và Hoàng hậu Mumtaz Mahah) đáy hình bát giác cao 75m với mái vòm tròn được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch.
Trước khi bước vào khu lăng mộ, du khách được yêu cầu phải bọc giày dép bằng túi y tế và không được phép quay phim hay chụp ảnh, trang phục cũng được yêu cầu mặc kín đáo. Hầm mộ thật nằm ở dưới, phần mộ khách nhìn thấy thực chất là mô phỏng ở trên.
Tất cả hoa văn bên trong lăng mộ Taj Mahal được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ trên tường đá cẩm thạch. Một không gian tráng lệ nhưng lại vô cùng thiêng liêng, dù bao nhiêu năm trôi qua vẫn còn vẹn nguyên những bức tranh 3D với đường nét hoa văn nổi bật đầy màu sắc. Bên trong vẫn thông thoáng và dễ chịu vì có nhiều lỗ được đục rỗng trên các bức tường đá.
Sau ba tiếng tham quan, khám phá và chụp được kha khá ảnh làm kỷ niệm, đoàn chúng tôi nhanh chóng theo cổng phụ quay về để kịp giờ ra sân bay. Trên đường, chúng tôi không quên tranh thủ mua một ít quà lưu niệm như miếng dán tủ lạnh, mô hình đá cẩm thạch hình Taj Mahal, vòng tay, khăn lụa… để tặng cho bạn bè, đồng nghiệp và người thân ở nhà.