Trong năm 2016 Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức khi xảy ra đảo chính quân sự, mâu thuẫn với phương Tây, căng thẳng với các nước láng giềng Trung Đông, quan hệ với Nga sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov, các vụ tấn công khủng bố liên tiếp và kinh tế sụt giảm.
Đảo chính quân sự bất thành
Ngày 15/7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Muharrem Kose, cựu Đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan. Với xe tăng triển khai rầm rộ trên các con đường ở thành phố Istanbul và thủ đô Ankara cùng máy bay phản lực bay lượn trên bầu trời, binh sĩ đảo chính đã chiếm giữ các vị trí trọng yếu tại hai thành phố như sân bay, cầu và ra lệnh cho đài truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ phát bản tin cho biết quân đội đã tiếp quản chính quyền và chính phủ mất hoàn toàn tính hợp pháp.
Quân đội kiểm soát gắt gao khu vực quảng trường Taksim ở trung tâm trong cuộc đảo chính hôm 15/7. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã thất bại sau khi Tổng thống Erdogan trở về từ kỳ nghỉ ở khu nghỉ dưỡng ven biển Marmaris và kêu gọi người ủng hộ xuống đường ngăn chặn. Trong khi đó, quân đội chính phủ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào xe tăng cố thủ bên ngoài tòa nhà tổng thống ở thủ đô Ankara và chiếm lại các vị trí trọng yếu. Ngày 17/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục toàn bộ quyền kiểm soát trên khắp đất nước.
Cuộc đảo chính quân sự là đỉnh điểm của những bất ổn chính trị kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng dẹp được âm mưu đảo chính, nhưng trong những tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị chìm sâu trong các cuộc bắt bớ và thanh lọc, thậm chí hàng chục nghìn công chức nhà nước đã bị buộc thôi việc.
Đối ngoại bấp bênh
Vụ đảo chính quân sự đã khiến Liên minh châu Âu (EU) lộ rõ thái độ lạnh nhạt với Thổ Nhĩ Kỳ. EU chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm tự do và luật pháp sau loạt vụ trấn áp sau đảo chính. Những cam kết còn "chưa ráo mực" hồi tháng 3/2016 của EU về vấn đề viện trợ và miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đổi lấy sự hợp tác của Ankara trong cuộc khủng hoảng người di cư đã bị đình lại khiến tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó khăn.
Việc bị các đồng minh phương Tây truyền thống xa lánh khiến chính quyền Ankara không còn cách nào khác phải nỗ lực khôi phục quan hệ vốn căng thẳng với Nga liên quan đến việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở biên giới Syria. Tuy nhiên, khi mối quan hệ song phương với Nga vừa được cải thiện thì việc một nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bị sa thải nổ súng sát hại Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Ankara ngày 19/12 vừa qua như "dội gáo nước lạnh" vào chính quyền Tổng thống Erdogan. Các nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian để lấy lại lòng tin từ phía Moscow sau sự việc này.
Vụ sát hại Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Ankara ngày 19/12 vừa qua như "dội gáo nước lạnh" vào chính quyền Tổng thống Erdogan. (Nguồn: AP) |
Một yếu tố quan trọng khác gây bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ chính là mối quan hệ đang rất căng thẳng với Syria và Iraq. Cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Faruk Logoglu nhận định: “Việc theo đuổi những chính sách theo tư tưởng Hồi giáo Sunni đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương, và hậu quả là Thổ Nhĩ Kỳ đã để mất những người bạn ở Trung Đông”. Ông Logoglu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên thay đổi chính sách thù địch đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để hướng tới một mục đích toàn diện hơn và thúc đẩy hòa bình khu vực.
Tấn công khủng bố liên tiếp
Năm 2016, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiến hành gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh và dân thường khiến dư luận hết sức lo ngại và phẫn nộ. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ đầu năm 2016 đến nay, nước này đã phải chứng kiến gần 30 vụ đánh bom khủng bố đẫm máu.
Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra cho thấy, tình trạng bất ổn an ninh ngày càng tăng khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa tham gia liên minh chống IS vừa phải giao tranh với các tay súng của Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria và tấn công PKK tại Iraq. Xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng PKK đã bùng phát trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên đổ vỡ hồi tháng 7/2015.
PKK nổi dậy đòi độc lập cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị Ankara cùng đồng minh phương Tây liệt vào danh sách khủng bố. Sự trỗi dậy gần đây của YPG khiến tình hình an ninh Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm bất ổn. Ankara cũng coi YPG là khủng bố và thúc giục đồng minh chống lại nhóm này. Tuy nhiên, yêu cầu trên khó có thể được đáp ứng bởi YPG đang là lực lượng hỗ trợ Mỹ chiến đấu chống IS ở Syria.
Hiện trường vụ đánh bom xe buýt chở binh sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Bức tranh kinh tế ảm đạm
Ngoài những bất ổn về chính trị và an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng nếu chính phủ không thể tìm ra các biện pháp để thúc đẩy sản xuất và củng cố luật pháp thì nước này sẽ chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào năm tới. Kể từ cuối tháng 9, những cảnh báo về vấn đề kinh tế liên tục được đưa ra khi đồng nội tệ Lira của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mất giá nghiêm trọng so với đồng USD. Từ đó đến nay, đồng Lira đã mất tới 15% giá trị so với đồng USD. Trước viễn cảnh suy thoái kinh tế, nhiều nhà kinh tế dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bằng 0 hoặc thậm chí là âm trong năm 2016.
Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những vấn đề về cơ cấu như thâm hụt tài khoản vãng lai, lãi suất tiết kiệm và năng suất lao động thấp, vốn đầu tư giảm, du lịch điêu đứng và khó có khả năng phục hồi, các công ty quy mô nhỏ chiếm ưu thế, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển bị cắt giảm… Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ phải vay hơn 200 tỷ USD từ bên ngoài để trả nợ và "bôi trơn" hoạt động kinh tế. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền từ lâu đã bị chỉ trích vì áp dụng mô hình kinh tế ưu tiên lĩnh vực xây dựng thay vì sản xuất công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể còn ảm đạm hơn do tỷ lệ lãi suất tại Mỹ được dự báo sẽ tăng, khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút vốn đầu cơ ngắn hạn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa công bố một gói kinh tế nhằm khôi phục nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng gói kinh tế này không đủ để ngăn đà sụt giảm của đồng Lira.
Các nhà phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng toàn diện diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 có thể còn kéo sang cả năm 2017 khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nhằm tập trung quyền lực vào Tổng thống Erdogan. Rắc rối và bất ổn dường như đang bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ khiến quốc gia này cần phải nỗ lực rất nhiều để tìm ra lối thoát.