Đó là nhận định của ông Mukai Kadirkulov, Bộ trưởng về Hợp tác hải quan, Ủy ban Kinh tế Á – Âu tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm một năm ngày bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam (FTA EAEU – Việt Nam), sáng 5/10, tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham dự của đại sứ các nước thành viên EAEU tại Việt Nam, thành viên Ban phụ trách về hợp tác hải quan của Ủy ban Kinh tế Liên minh Á - Âu, đại diện các bộ Ngoại giao, Công Thương, đại diện Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đông đảo giới truyền thông.
Họp báo có sự tham gia của đại diện các nước thành viên EAEU và Việt Nam. (Ảnh: DL) |
Những thành quả đáng khích lệ
Phát biểu tại sự kiện, các đại biểu đều chung nhận định rằng, 1 năm hiệp định có hiệu lực (từ 5/10/2016) chưa phải là quãng thời gian dài nhưng hai bên đã phát huy được hiệu quả và có những thành công rất đáng khích lệ, có sự tăng trưởng ấn tượng.
Sau 10 tháng thực hiện FTA EAEU – Việt Nam (từ tháng 10/2016 – 7/2017), xuất khẩu hàng hóa từ các nước EAEU sang Việt Nam tăng hơn 32%, xuất khẩu của việt Nam sang các nước EAEU tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 – 2016. Đối với một số chủng loại hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã tìm được các thị trường hoàn toàn mới mẻ.
Ông Mukai Kadirkulov cho biết, tại các quốc gia EAEU, các thiết bị dẫn đường vô tuyến điện Việt Nam đang được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng, số lượng nhập khẩu của EAEU đối với thiết bị đó đã tăng hơn 900 lần. Tương tự, giấy và bìa carton nhập khẩu về Việt Nam tăng hơn 2.700 lần.
“Sự tăng trưởng khá cân bằng trong xuất và nhập khẩu cho thấy, Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch”, Bộ trưởng về Hợp tác hải quan, Ủy ban Kinh tế Á – Âu nhận định.
Trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Các thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cũng nhận định, qua một năm thực hiện hiệp định, thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có sự gia tăng đột biến.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới và một số nước đang rất khó khăn mà hai bên đạt được sự tăng trưởng như vậy là một tín hiệu tích cực, rất đáng phấn khởi. Kết quả chứng tỏ tính hiệu quả của hiệp định, giúp gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ở cả 2 phía, đem lại lợi ích kinh tế cho các nước tham gia”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ các thị trường châu Âu, Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn. (Ảnh: DL) |
Được biết, trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định, EAEU đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hóa của của Việt Nam thuộc dòng thuế quan của Biểu thuế thống nhất của EAEU (UCT EAEU).
“Đây mới chỉ là những bước đầu tiên. Trong 10 năm tiếp theo, số lượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của Việt nam sang thị trường EAEU sẽ không ngừng được tăng lên và sẽ chiếm 90% các danh mục Biểu thuế thống nhất của UCT EAEU”, ông Mukai Kadirkulov cho biết.
Cú hích lớn cho tăng trưởng thương mại đầu tư
Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh về việc FTA EAEU - Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên.
“Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nga và Việt Nam – Belarus trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nga và Belarus vừa qua, đã có khoảng 600 doanh nghiệp Nga và 400 doanh nghiệp Belarus tham dự. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay mà chưa một diễn đàn doanh nghiệp song phương nào của cả 3 nước có được”, ông Hải nhận định.
Ngoài ra, tại Việt Nam, những hội thảo về thực hiện Hiệp định EAEU cũng rất được các doanh nghiệp quan tâm và tham gia đông đảo.
Còn đại diện Ủy ban Kinh tế Á - Âu thì khẳng định, FTA EAEU - Việt Nam đã đặt nền móng cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống điện tử ứng dụng cấp chứng chỉ và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp, là cú hích lớn cho thương mại đầu tư giữa các nước thành viên.
Được biết, hiện tại, chính phủ các nước EAEU và Việt Nam đang thiết kế hệ thống, cho phép các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại miễn xuất trình chứng chỉ bằng giấy truyền thống khi khai báo hàng hóa trong tương lai gần.
Điều này giúp giảm thiểu chi phí thời gian, tài chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ và tạo điều kiện thực hiện dự án điện tử trong khai báo hàng hóa. Bên cạnh đó, các cơ quan hải quan đang hoàn thiện cơ chế trao đổi thông tin về hàng hóa và các phương tiện vận tải giữa các nước chúng ta trong khuôn khổ của Hiệp định FTA EAEU – Việt Nam.
Ngoài ra, theo đại diện Ủy ban Kinh tế Á – Âu, sự hợp tác giữa Liên minh EAEU và Việt Nam không dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa thông qua hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay, hai bên đang hoàn thiện các cơ chế xây dựng liên doanh sản xuất. Tại Việt Nam hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tải của Nhà máy chế tạo ô tô Minsk “MAZ” với công suất theo kế hoạch -1500 chiếc/1 năm. Hai bên cũng đã thỏa thuận trong vòng 4 năm, liên doanh sẽ phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40%, do các xí nghiệp sản xuất phụ trợ của Việt Nam đảm nhiệm.
Trong tương lai, tại Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều xí nghiệp liên doanh Việt Nam - Liên bang Nga và Việt Nam - Belarus trong lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước trong khối ASEAN.
Tăng cường đối thoại và hợp tác
Khẳng định hiệu quả đáng khích lệ của hiệp định sau một năm thực hiện, các đại biểu cũng nhấn mạnh, để hiệp định đi vào thực chất hơn và được áp dụng rộng rãi hơn, hai bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác, trao đổi thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng nhiều hơn những ưu đãi từ FTA EAEU – Việt Nam mang lại.
Về việc này, ông K.V.Vnukov Đại sứ Nga tại Việt Nam cho rằng, hai bên nên cùng nhau tạo dựng hệ thống thông tin rõ ràng với cộng đồng doanh nghiệp hai nước một cách hệ thống hơn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, việc doanh nghiệp cả hai bên tận dụng ưu đãi từ FTA EAEU – Việt Nam còn khá khiêm tốn, trung bình từ 20 – 30%. (Nguồn: TBKTSG) |
Còn theo ông Goshin V.A, Đại sứ Belarus tại Việt Nam, để hiệp định mang lại hiệu quả nhất, các bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác với giới doanh nghiệp, trong đó có việc tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau cho các đoàn đại biểu doanh nghiệp, tham gia vào hoạt động hội chợ - triển lãm.
“Bên cạnh đó, cần giảm thiểu thời gian chuyển tiếp trong việc giảm thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng trong 7-10 năm xuống thời hạn sớm hơn (ví dụ như đối với các mặt hàng lốp ô tô, các chất có cồn…”, Đại sứ Belarus tại Việt Nam đề xuất.
Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải cũng cho biết, theo thống kê của Bộ Công Thương, việc doanh nghiệp cả hai bên tận dụng ưu đãi từ FTA EAEU – Việt Nam còn khá khiêm tốn, trung bình từ 20 – 30%. Tuy đã tuyên truyền nhiều, đã tổ chức những cuộc hội thảo, đào tạo liên tục cho các doanh nghiệp nhưng việc tận dụng ưu đãi còn hạn chế.
Ông Hải cho rằng, rào cản đối với một thị trường mới thì bao giờ cũng còn nhiều khó khăn với doanh nghiệp, đó là sự khác biệt về mặt ngôn ngữ, văn hóa, khẩu vị, thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những khó khăn đó sẽ dần được giải quyết.
“Tôi nghĩ rằng, với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp hai bên, sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thì sẽ ngày càng có nhiều thuận lợi hơn và các doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội từ FTA EAEU – Việt Nam tốt hơn, hiệu quả hơn”, Vụ trưởng Vụ Các thị trường châu Âu, Bộ Công Thương nhận định.